Truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là phương án cho phép người tiêu dùng trực tiếp dễ dàng thu thập thông tin ngược dòng từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu. Giúp người tiêu dùng nhận được thông tin xác thực về sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối.

I. Quy định của Pháp luật:

Theo Điều 54 của Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 quy định:

1. Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;

b) Khi phát hiện thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh không bảo đảm an toàn.

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn phải thực hiện các việc sau đây:

a) Xác định, thông báo lô sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn;

b) Yêu cầu các đại lý kinh doanh thực phẩm báo cáo số lượng sản phẩm của lô sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, tồn kho thực tế và đang lưu thông trên thị trường;

c) Tổng hợp, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kế hoạch thu hồi và biện pháp xử lý.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn.

II. Truy xuất nguồn gốc thực phẩm điện tử: Nâng cao chất lượng - điểm đến an toàn tại Đà Nẵng

Theo cổng thông tin điện tử Thành Phố Đà Nẵng, từ cuối tháng 10-2021, Ban Quản lý ATTP thành phố triển khai giai đoạn 1 của Dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm (TXNG) thực phẩm. Đây là nền tảng để giải quyết từng bước về vấn đề ATTP cho người dân.

“Mỗi ngày thành phố nhập 90% nông sản tươi sống từ các tỉnh thành thông qua chợ đầu mối, cơ sở giết mổ tập trung trước khi phân phối đến thị trường bán lẻ. Mặt khác, khi chuỗi cung ứng thực phẩm ngày càng mở rộng với sự đa dạng của nguồn cung nguyên liệu, mối nguy về mất an toàn thực phẩm ngày càng phức tạp. Vì vậy, việc phát triển hệ thống TXNG mang lại sự ổn định về chất lượng, độ an an toàn của thực phẩm trong chuỗi cung ứng”, ông Nguyễn Tấn Hải chia sẻ.

Theo kế hoạch, hệ thống TXNGTP sẽ triển khai truy xuất nguồn gốc theo chiều sâu đối với 4 chuỗi sản phẩm và chia thành 2 giai đoạn: thịt – trứng (Giai đoạn 1); Rau – trái cây, thủy sản, sản phẩm bao gói (Giai đoạn 2).

Ban quản lý ATTP đang triển khai giai đoạn 1 trên sản phẩm thịt (bao gồm thịt heo và thị bò) với 13 đơn vị doanh nghiệp đăng ký tham gia. Chuỗi sản phẩm thịt áp dụng truy xuất thông tin theo trình tự từ lò mổ, pha lóc đến đơn vị phân phối (các chuỗi cửa hàng bán lẻ). Mỗi sản phẩm thịt tham gia hệ thống đều có dán tem TXNG thực phẩm.

Hiện, hệ thống truy xuất nguồn gốc đang được phổ biến tại các chợ trên địa bàn thành phố nhưng vẫn chưa được áp dụng triệt để. Thời gian tới, Ban quản lý ATTP sẽ triển khai triệt để và đa dạng các sản phẩm tại chợ không chỉ sản phẩm thịt heo mà còn nhiều sản phẩm khác.

Bà Ngô Thị Kim Thương - Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thực phẩm chuyên sâu thông tin, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khi đăng ký tham gia Hệ thống TXNG thực phẩm đều được miễn phí; ngoài ra, tùy theo chức năng và nhiệm vụ trên chuỗi cung ứng sẽ được hỗ trợ các vật tư phù hợp như thẻ QR code, tem QR code.

 

Nguồn: tham khảo