Rèn luyện tư duy phản biện

Tư duy phản biện hay là tư duy phân tích là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, lôgíc, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm.

Tư duy phản biện (Critical thinking) là khả năng suy nghĩ rõ ràng và có lập luận đúng đắn về niềm tin bạn tin vào hay những gì bạn đang làm. Nó bao gồm khả năng vận dụng suy nghĩ độc lập (independent thinking) và suy nghĩ phản chiếu (reflective thinking). Người có tư duy phản biện thường có thể:

  • Hiểu sự gắn kết logic giữa các quan điểm.
  • Nhận dạng, phát triển và đánh giá các lập luận.
  • Tìm ra những sự không nhất quán và lỗi sai phổ biến trong cách lập luận.
  • Giải quyết các vấn đề một cách hệ thống.
  • Nhận dạng sự liên quan và tầm quan trọng của các ý tưởng.
  • Xem xét cách lập luận và sự đúng đắn trong quan điểm, niềm tin của người khác.

Tư duy phản biện không phải chỉ là tích lũy thông tin. Người có trí nhớ tốt và biết nhiều thứ về cơ bản không hẳn là sẽ có tư duy phản biện tốt. Người có tư duy phản biện có thể suy luận ra những hệ quả từ những gì họ biết và biết cách sử dụng thông tin để giải quyết vấn đề, đồng thời tìm kiếm những nguồn thông tin liên quan để tăng hiểu biết của mình về vấn đề đó.

Không nên nhầm lẫn tư duy phản biện với việc thích tranh cãi hay chỉ trích người khác. Mặc dù các kỹ năng tư duy phản biện có thể được sử dụng để vạch trần những thiếu sót và cách lập luận sai lầm, nhưng tư duy phản biện cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp để đưa ra các cách lập luận đúng đắn và có tính xây dựng. Tư duy phản biện giúp chúng ta thu nạp kiến thức, tăng mức độ thấu hiểu lý thuyết đã biết, củng cố các lập luận, nâng cao hiệu quả xử lý công việc và giải quyết vấn đề.

Một vài người tin rằng tư duy phản biện cản trở khả năng sáng tạo bởi vì trong khi tư duy phản biện đòi hỏi phải tuân thủ những quy tắc logic và lập luận nhất định thì khả năng sáng tạo có lẽ cần đến nhiều hơn việc “phá luật” (breaking the rules). Đây là quan điểm sai lầm. Tư duy phản biện khá hòa hợp với cách suy nghĩ “ngoài chiếc hộp” (thinking out-of-the-box), thử thách các nhận thức chung và theo đuổi những hướng đi ít người biết. Tư duy phản biện là một phần cơ bản của sáng tạo bởi vì chúng ta cần tư duy phản biện để đánh giá và cải thiện các ý tưởng sáng tạo.

1. Tư duy phản biện là gì?

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về tư duy phản biện. Chẳng hạn:

Watson-Glaser Critical Thinking Appraisal (1980) là một bài test tâm lý nổi tiếng về khả năng tư duy phản biện. Các tác giả của bài test này đã định nghĩa về tư duy phản biện như sau:

Một sự hợp lại của thái độ, kiến thức và kỹ năng. Sự tập hợp nào bao gồm: (1) thái độ xem xét liên quan đến khả năng nhận ra sự tồn tại của vấn đề và chấp nhận việc cần bằng chứng chung hỗ trợ cho thứ được coi là sự thật; (2) kiến thức về bản chất của những suy luận hợp lý, những quan điểm trừu tượng và sự khái quát hóa khi mà độ nặng hay độ chính xác của các bằng chứng khác nhau đã được xác định về mặt logic, và (3) các kỹ năng trong việc sử dụng và áp dụng những thái độ và kiến thức trên.

Báo cáo Tương lai của các nghề nghiệp năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới lại định nghĩa tư duy phản biện như sau:

Sử dụng logic và lập luận để nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của các giải pháp, kết luận và cách tiếp cận khác nhau đối với các vấn đề.

Hiện nay chưa thực sự có một định nghĩa chung và thống nhất nào về tư duy phản biện. Tuy nhiên, phần lớn các định nghĩa đang tồn tại về tư duy phản biện đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự rõ ràng và khả năng lập luận.

2. Tầm quan trọng của tư duy phản biện

Tư duy phản biện là kỹ năng tư duy cần thiết cho mọi lĩnh vực. Khả năng suy nghĩ rõ ràng và có lý trí rất quan trọng bất kể chúng ta đang làm gì. Nếu bạn làm việc trong lĩnh vực giáo dục, tài chính, quản trị hay pháp lý, thì tư duy phản biện hiển nhiên cực kỳ quan trọng. Nhưng kỹ năng này không chỉ giới trong một lĩnh vực cụ thể nào cả. Khả năng tư duy tốt và giải quyết vấn đề một cách có hệ thống là “tài sản” quý giá trong mọi lĩnh vực, nghề nghiệp.

Tư duy phản biện rất quan trọng trong nền kinh tế tri thức khi nó được thúc đẩy bởi thông tin và công nghệ. Nền kinh tế mới đặt ra những nhu cầu ngày càng tăng vào các kỹ năng vận dụng trí óc linh hoạt và khả năng phân tích thông tin, tích hợp các nguồn kiến thức đa dạng vào giải quyết vấn đề. Tư duy phản biện tốt thúc đẩy những kỹ năng tư duy này và rất quan trọng trong môi trường làm việc không ngừng thay đổi.

Tư duy phản biện cải thiện các kỹ năng thuyết trình và ngôn ngữ. Suy nghĩ rõ ràng và có hệ thống có thể cải thiện cách mà chúng ta diễn đạt các ý tưởng. Đối với phân tích cấu trúc logic của văn bản, tư duy phản biện cũng tăng khả năng hiểu rõ những gì đã được viết.

Tư duy phản biện thúc đẩy sáng tạo. Tìm ra giải pháp sáng tạo cho một vấn đề không chỉ cần đến các ý tưởng mới. Bản thân các ý tưởng mới này cũng bắt buộc phải hữu ích và liên quan đến vấn đề đang cần được giải quyết. Tư duy phản biện đóng vai trò cốt lõi trong việc đánh giá các ý tưởng mới, lựa chọn những ý tưởng tốt nhất và điều chỉnh chúng nếu cần thiết.

Tư duy phản biện rất quan trọng đối với quá trình phản chiếu bản thân (self-reflection). Để kiểm soát cuộc sống và làm nó trở nên có ý nghĩa, chúng ta cần nhận dạng rõ giá trị bản thân và tỉnh táo khi ra quyết định. Tư duy phản biện chính là thứ sẽ giúp bạn thực hiện những điều này một cách hợp lý.

Tư duy phản biện tốt là nền tảng của khoa học và dân chủ. Khoa học đòi hỏi việc sử dụng lập luận trong thử nghiệm và xác nhận các lý thuyết. Việc vận hành hiệu quả hơn của nền dân chủ tự do cũng đòi hỏi các công dân có cách suy nghĩ lý trí về các vấn đề xã hội để lan tỏa những giá trị đúng đắn và vượt qua những khuynh hướng và định kiến sai lầm.

3. Tương lai của tư duy phản biện

Vào tháng 1 năm 2016, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã công bố một bản báo cáo Tương lai của các nghề nghiệp”, trong đó có đề cập đến:

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (bao gồm sự phát triển trong các lĩnh vực rời rạc trước đây như trí thông minh nhân tạo và học máy, robot, công nghệ nano, in 3D, di truyền và công nghệ sinh học) sẽ gây ra một sự đổ vỡ trên quy mô lớn không chỉ với các mô hình kinh doanh mà còn là lực lượng lao động trong 5 năm tới, với những thay đổi to lớn được dự đoán là liên quan đến các bộ kỹ năng cần thiết để phát triển trong bối cảnh mới.

Tư duy phản biện critical thinking

Năm 2018, Diễn đàn Kinh tế Thế giới tiếp tục công bố bản báo cáo “Tương lai nghề nghiệp”. Đối với kỹ năng tư duy phản biện, báo cáo nhấn mạnh tới nhu cầu về kỹ năng này sẽ tăng lên trong năm 2022.

Tư duy phản biện critical thinking

Ở Việt Nam, tư duy phản biện là kỹ năng đứng ở vị trí thứ 4 trong danh sách các kỹ năng mới nổi.

Tư duy phản biện critical thinking

4. Cải thiện kỹ năng tư duy phản biện

Tư duy phản biện là kỹ năng siêu nhận thức (metacognitive skill) – một kỹ năng nhận thức ở cấp độ cao hơn liên quan đến việc tư duy về cách suy nghĩ. Chúng ta phải nhận thức được những nguyên tắc đúng đắn của lập luận và xem xét cách lập luận của chúng ta về vấn đề, nỗ lực về mặt ý thức để cải thiện bản thân mình, tránh các thiên hướng sai lầm và duy trì sự khách quan khi ra quyết định. Đây là điều cực kỳ khó để làm. Ai cũng có thể nghĩ nhưng nghĩ đúng thường đòi hỏi quá trình rèn luyện lâu dài và nghiêm túc.

Chinh phục tư duy phản biện cũng tương tự như việc chinh phục nhiều kỹ năng khác. Có 3 thành phần quan trọng cấu thành nên sự thành công đó là lý thuyết, rèn luyệnvà thái độ.

Lý thuyết

Nếu chúng ta muốn nghĩ đúng, chúng ta cần áp dụng các nguyên tắc lập luận đúng. Kiến thức về lý thuyết bao gồm kiến thức về những nguyên tắc này. Chúng là những nguyên tắc cơ bản của tư duy phản biện, chẳng hạn như các quy tắc logic và phương pháp lập luận khoa học.

Ngoài ra, suy luận đúng cũng đồng nghĩa với việc hiểu rõ điều gì không nên làm, nghĩa là chúng ta cần có kiến thức cơ bản về những sai lầm mà mọi người thường mắc phải, bao gồm các thuyết ngụy biện, các thiên kiến và giới hạn bất biến trong cách lập luận chung của mọi người. Nhờ đó, chúng ta có thể tránh được những lối suy diễn không chính xác đối với một vấn đề cụ thể.

Rèn luyện

Chỉ hiểu về các nguyên tắc lập luận và biết phân biệt giữa cái đúng và cái sai thôi chưa đủ. Được học kiến thức về bơi lội, nhưng trừ khi chúng ta áp dụng những kiến thức lý thuyết này thông qua quá trình rèn luyện liên tục, bằng không thì thực sự là chúng ta không thể biết bơi được.

Tương tự, giỏi về các kỹ năng tư duy phản biện nghĩa là chúng ta phải biết áp dụng chúng vào trong công việc và cuộc sống thường ngày. Có ít nhất 2 cách. Một là làm thật nhiều các bài tập. Những bài tập này không chỉ bao gồm các bài tập trong lớp học và hướng dẫn. Chúng cũng bao gồm việc thảo luận và tranh luận với những người khác trong cuộc sống hàng ngày. Thứ hai là tập suy nghĩ sâu hơn về các lý thuyết, nguyên tắc mà chúng ta học được, chẳng hạn như đặt câu hỏi hay lật lại vấn đề.

Thái độ

Có kỹ năng tư duy phản biện tốt tốt đòi hỏi không chỉ kiến thức và sự luyện tập. Luyện tập bền bỉ có thể tạo ra những cải thiện rõ rệt chỉ khi chúng ta có động lực và thái độ đúng đắn.

Dưới đây là một vài lối suy nghĩ ngăn cản chúng ta phát triển tư duy phản biện:

  • Tôi thích được đưa ra những câu trả lời chính xác hơn là tự tìm ra chúng.
  • Tôi không thích nghĩ nhiều về những quyết định của mình vì tôi chỉ dựa vào cảm tính.
  • Tôi thường không nhìn nhận lại những sai lầm mình đã mắc phải.
  • Tôi không thích bị chỉ trích.

Để cải thiện suy nghĩ, chúng ta phải nhận ra tầm quan trọng của việc xem xét lại cơ sở của niềm tin và hành động của chúng ta. Chúng ta cũng nên sẵn sàng tham gia vào các cuộc tranh luận, thay đổi những thói quen xấu và đối mặt với sự phức tạp của ngôn ngữ và các khái niệm trừu tượng.

California Critical Thinking Disposition Inventory là một bài test tâm lý được sử dụng để đánh giá tư duy phản biện của một người dựa trên 7 tiêu chí được liệt kê dưới đây. Bạn có thể sử dụng 7 tiêu chí này để tìm hiểu về thói quen suy nghĩ của mình.

1. Tìm kiếm sự thật: Bạn có cố gắng hiểu mọi thứ thực sự là gì? Bạn có hứng thú với việc tìm ra sự thật không?

2. Cởi mở: Bạn tiếp thu các ý tưởng mới như thế nào khi trực giác mách bảo bạn rằng các ý tưởng đó không giống với suy nghĩ của bạn? Bạn có thực sự chịu lắng nghe chúng?

3. Phân tích: Bạn có cố gắng hiểu lý do ẩn sau mỗi vấn đề hay sự việc đã xảy ra? Bạn có hành động xung hấn hay bạn có đánh giá mặt trái/phải trong những quyết định của bạn?

4. Hệ thống: Bạn có phải là người có tư duy hệ thống? Bạn có chia tách một vấn đề phức tạp thành những vấn đề đơn giản hơn?

5. Tự tin trong lập luận: Bạn có luôn chiều theo ý mọi người? Bạn tự tin như thế nào về cách lập luận của mình? Bạn có cơ sở nào cho sự tự tin của mình không? Bạn có thể đánh giá suy nghĩ của mình không?

6. Tính tò mò.

7. Sự chín chắn trong phán xét: Bạn có vội vàng đi đến kết luận? Bạn có thử nhìn sự việc theo một hướng khác? Bạn có xem xét những kinh nghiệm của người khác?

Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng qua nhiều năm, lý trí của con người thường dễ bị tác động bởi tất cả các loại thiên kiến nhận thức (cognitive bias). Chẳng hạn, nhiều người có xu hướng quá tự tin vào khả năng của họ và tập trung quá nhiều vào bằng chứng mà hỗ trợ cho quan điểm đã tồn tại trước đó của họ. Chúng ta nên cảnh giác với những thiên kiến sai lầm này.

Để có thể có kỹ năng tư phản biện tốt, chúng ta cần rèn luyện khả năng tư duy logic, nguyên tắc lập luận, thấu hiểu tâm lý con người (các thiên kiến nhận thức tác động tới việc ra quyết định), nhận dạng rõ điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Ngoài ra, kỹ năng này cũng đòi hỏi việc phải áp dụng lý thuyết vào thực tiễn, có thái độ đúng đắn trong học tập, rèn luyện. Chẳng hạn, sự kiên nhẫn trong giải quyết vấn đề và khao khát mạnh mẽ cải thiện bản thân đều là những đặc điểm giá trị mà có thể giúp bạn phát triển kỹ năng tư duy phản biện trong dài hạn.

Link: https://www.formyoursoul.com/tu-duy-phan-bien-critical-thinking-4/