Có khi nào bạn có cảm giác tim mình như ngừng đập khi phải phát biểu trước chỗ đông người? Nếu câu trả lời là có thì bạn cũng đừng lo lắng vì cũng không ít người có hoàn cảnh giống bạn. Một phương pháp hùng biện được rất nhiều người áp dụng thành công đó là tam giác hùng biện.
1. Tam giác hùng biện là gì?
Hùng biện hay thuyết trình là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ để truyền tải thông điệp, đưa ra các quan điểm, dẫn chứng để thuyết phục người khác. Theo phương pháp hùng biện bằng tam giác hùng biện, chúng ta sẽ tập trung vào 3 vấn đề chính có ảnh hưởng lớn nhất đến bài phát biểu: người viết, khán giả và bối cảnh.
– Người viết
Dù bạn tiếp cận khán giả của mình bằng hình thức nào thì họ vẫn luôn muốn biết mục đích tiếp cận, thuyết trình của bạn là gì. Nếu bạn không nêu ra lý do bạn đang đứng trước đám đông và thuyết trình về bất kể một chủ đề nào đó, khán giả sẽ cho rằng bạn không thẳng thắn hoặc đang che giấu một điều gì đó.
Yếu tố người viết hay người nói trong phương pháp hùng biện bằng tam giác hùng biện cần được sử dụng triệt để trong mỗi bài phát biểu. Khán giả luôn muốn biết họ đang lắng nghe ai. Vì vậy, bạn hãy đảm bảo trả lời được những câu hỏi dưới đây:
- Bạn là ai?
- Lý do để khán giả phải lắng nghe bạn là gì?
- Bạn có đủ tư cách, thẩm quyền để đề cập đến vấn đề bạn định nói đến?
Mục tiêu chung của mỗi cuộc thuyết trình, hùng biện là để người nghe đứng về phía quan điểm của người nói. Trước khi nhận được cái “gật đầu” từ họ, bạn phải cho họ thấy bạn là ai và đáng tin đến mức nào.
– Khán giả
Trong phương pháp hùng biện hay kỹ năng thuyết trình hiệu quả mà xem nhẹ yếu tố khán giả là một sai lầm lớn. Bất kể khi bạn giao tiếp bằng lời nói hay chữ viết, bạn cũng cần phải hiểu được đối tượng của mình. Những người bạn muốn truyền tải thông điệp là ai, có cùng hành vi như thế nào để sử dụng chung ngôn ngữ và kỹ năng thuyết trình để tránh “lệch pha” với chân dung khán giả mục tiêu.
Thêm nữa, bạn muốn khơi gợi cảm xúc từ khán giả của mình như thế nào, sự tán dương, đồng tình hay sự tin tưởng, lòng trung thành? Hãy kể cho khán giả của mình nghe những câu chuyện để khơi gợi và dẫn dắt cảm xúc ấy. Kết nối với khán giả thông qua cảm xúc là một phương tiện hỗ trợ mạnh mẽ cho giao tiếp và hùng biện.
– Bối cảnh
Khi khán giả đã hiểu được mục tiêu và sự thẳng thắn của bạn, phương pháp hùng biện tiếp theo là quan tâm đến bối cảnh diễn ra cuộc hùng biện và cách thức để đạt được sự đồng tình của người nghe. Hãy quan tâm đến cách tiếp cận, phát hiện và xử lý vấn đề cần thảo luận của mình sao cho phần trình bày thật logic và kỹ lưỡng. Những dẫn chứng cụ thể sẽ khiến cho phần hùng biện, thuyết trình của bạn thêm sinh động và thuyết phục hơn nhiều.
Để đạt được sự đồng tình lớn nhất, phần thuyết trình của bạn phải hội tụ đầy đủ 3 yếu tố: người viết, khán giả và bối cảnh của tam giác hùng biện. Như vậy, những lập luận của bạn mới thuyết phục, bạn mới là người đáng tin cậy trong mắt người nghe.
2. Nghệ thuật sử dụng tam giác hùng biện
Khi chuẩn bị một bài phát biểu, thuyết trình, bạn nên vận dụng phương pháp hùng biện bằng tam giác hùng biện bằng việc xem xét đầy đủ 3 yếu tố. Nếu phần trình bày thiếu đi bất kỳ yếu tố nào thì mức tác động đến khán giả sẽ bị giảm đi.
– Bước 1: Xem xét mức độ uy tín của bản thân
Mỗi người đứng diễn thuyết trước đám đông sẽ có một vị trí khác nhau. Chẳng hạn, sự uy tín của một vị nguyên thủ quốc gia trước công chúng của mình hay tình yêu mà khán giả dành cho thần tượng trên sân khấu sẽ có sức ảnh hưởng lớn. Đây chính là yếu tố người viết trong tam giác hùng biện. Hãy biết mình là ai, chuyên môn của mình là gì và vai trò của bạn khi đứng trước khán giả của mình là gì để có được hiệu quả tốt nhất.
– Bước 2: Chú ý đến khán giả
Khán giả là những nhân vật chính trong phần hùng biện của bạn nên hãy dành cho họ sự tôn trọng, chú ý và quan tâm cần thiết. Bạn có thể thể hiện sự quan tâm bằng lời nói, ngôn ngữ hình thể hay thông qua những nội dung mà bạn đã chuẩn bị, biết được những mong đợi và suy nghĩ của họ để khơi gợi những cảm xúc tích cực cho bài phát biểu.
– Bước 3: Xem kỹ nội dung thông điệp
Dù bạn muốn “lấy lòng” khán giả của mình bằng hình thức nào mà quên đi nội dung thì cũng khó thành công. Bạn cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về các lập luận, dẫn chứng, thông điệp muốn truyền tải, tránh sự sơ sài, thiếu nhất quán trong lời nói và cách diễn đạt.
Link: https://englishtown.edu.vn/phuong-phap-hung-bien-bang-tam-giac-hung-bien-bi-quyet-giao-tiep-hieu-qua