Giảng đường đại học khác rất nhiều so với thời cấp 3, khi mà từ giảng viên cho đến nội dung bài học đều có sự thay đổi. Và dĩ nhiên là cách tiếp thu kiến thức ở giảng đường đại học cũng hoàn toàn khác, không còn kiểu "thầy đọc trò chép" ấy nữa, thay vào đó là sinh viên tự chủ động trong việc lĩnh hội kiến thức cũng như cần tương tác nhiều hơn đối với giảng viên.
Có rất nhiều sự thay đổi mà kéo theo đó bạn cũng phải thay đổi bản thân mình để có thể hòa nhập với cuộc sống mới. Những kỹ năng cần thiết sau sẽ là bước đệm giúp bạn vững bước trên giảng đường đại học và con đường lập nghiệp sau này.
Kỹ năng thuyết trình
Có lẽ việc thuyết trình chẳng còn xa lạ gì nữa đối với sinh viên, khi mà đa số những nội dung bài học đều được giảng viên tóm gọn lại thành đề tài và việc của sinh viên là phải thuyết trình về đề tài đó.
Việc bạn tự tin trước đám đông, có một giọng đọc truyền cảm và đặc biệt là chuyển tải nội dung bài thuyết trình một cách suôn sẻ thì đó chính là thành công bước đầu của bạn khi chứng minh được khả năng của bản thân mình trước mọi người. Đơn giản thôi, chỉ cần một bài Power Point bắt mắt, nội dung bài học tóm gọn và tự tin vào bản thân chắc chắn bạn sẽ có được một phần thuyết trình suôn sẻ.
Kỹ năng giao tiếp - tương tác
Việc tương tác với giảng viên là điều hết sức quan trọng khi bạn học đại học, điều đó giúp bạn hiểu sâu bài hơn, ghi nhớ tốt hơn và gỡ rối được những thắc mắc đối với bài học. Ngoài ra, việc trao đổi với bạn bè cũng là một cách giúp bạn tìm ra đáp án. Bạn cần nói nhiều hơn trong giờ học, liên tục là những câu thảo luận, những câu hỏi đặt ra cho giảng viên đó là điểm khác biệt so với học phổ thông. Lớp học luôn sôi nổi và tất nhiên bạn cần trang bị cho mình một vốn từ vựng phong phú để có thể giao tiếp – trao đổi tốt trong giờ học.
Kỹ năng làm việc nhóm
Các bài tập học phần thường là những bài tập nhóm, mỗi học phần như vậy sẽ có những đề tài xoay quanh và công việc của bạn là cùng nhau giải quyết vấn đề đó. Thông thường sẽ chia lớp thành nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 5 đến 10 người đảm nhận một đề tài. Các bạn trong nhóm sẽ làm việc liên tục với nhau cho đến khi kết thúc học phần vì vậy kỹ năng làm việc nhóm của mỗi người sẽ rất quan trọng. Bạn sẽ phải phân tích đề tài, liệt kê những luận điểm cần nêu, phân chia tìm tài liệu liên quan và phải biết cách lắp ghép nó thành một bài hoàn chỉnh. Người nhóm trưởng đóng vai trò rất quan trọng và đó cũng chính là học cách quản lí nhân sự theo mô hình thu nhỏ. Bạn cần năng động, nhạy bén và đặc biệt là phải tuân thủ kỉ luật cao.
Kỹ năng ghi chép chọn lọc
Những cuốn giáo trình lên đến hàng trăm trang, những slide bài giảng "chữ toàn chữ" của giảng viên, đã thế họ còn giảng rất nhanh và bấm slide liên tục. Sao mà chép kịp cho được? Đó là những khó khăn mà sinh viên năm nhất thường ca thán, nhưng bạn phải tập dần với điều đó.
Chẳng còn cách học "thầy đọc trò chép" như phổ thông nữa. Bây giờ bạn phải kết hợp giữa việc lắng nghe – xử lí – và ghi chép chọn lọc. Giảng viên nói rất nhanh và rất nhiều kiến thức, chắc chắn bạn sẽ không chép lại kịp, nhưng đại học cũng không yêu cầu bạn phải chép như thế. Hãy tập xử lí nhanh vấn đề và tóm gọn nó lại thành một câu luận điểm. Bạn chỉ cần ghi câu luận điểm ấy vào vở mà thôi, đó là cách học giúp bạn thành thạo kỹ năng ứng dụng hơn so với kiểu học truyền thống.
Kỹ năng quản lí thời gian
Bây giờ bạn đã là sinh viên, điều đó có nghĩa là bạn có hàng tá công việc phải giải quyết mỗi ngày. Cuộc sống tự lập sẽ tiêu tốn của bạn rất nhiều thời gian. Lúc trước cơm đã có mẹ nấu sẵn, áo quần cũng chỉ cần bỏ vào máy giặt là xong… nhưng bây giờ thì khác, dù bạn có đi học về tối muộn đi chăng nữa thì cũng phải tự lo bữa tối cho mình.
Trên giảng đường cũng vậy, giảng viên chỉ định hướng cho bạn các nội dung liên quan còn việc tìm giáo trình là bạn phải tự lo lấy. Còn hoạt động đoàn, thời gian để đi làm thêm… rất nhiều việc bạn cần phải giải quyết. Chính vì vậy quản lí thời gian là một cách giúp bạn hoàn thành tốt tất cả công việc. Tạo sự cân bằng giữa học – chơi – và làm là cách mà bạn cần phải áp dụng kỹ năng quản lí thời gian sao cho phù hợp để giải quyết tất cả mọi thứ.
Kỹ năng nhận định vấn đề
Hay nói cách khác đó chính là chính kiến của bản thân. Sẽ có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, từ những việc trong đời sống thường ngày hay là từ kiến thức bài học. Điều bạn cần là đưa ra được kết luận cho câu hỏi ấy, hãy tập đưa ra kết luận trước bất kì vấn đề gì và bảo vệ quan điểm ấy. Dù đúng hay sai thì bạn đều phải nhận định được vấn đề, đó là bạn đang học cách để giải quyết vấn đề và việc đưa ra những ý kiến để bảo vệ quan điểm ấy là một điều giúp bạn hiểu sâu hơn. Đừng bảo thủ mà hãy biết lắng nghe, đó là cách hoàn thiện bản thân mình theo chiều hướng tích cực.
Sinh viên còn rất nhiều kỹ năng cần phải trang bị, những kỹ năng ấy không chỉ giúp ích cho bạn trong việc lĩnh hội kiến thức ở giảng đường đại học mà còn giúp bạn rất nhiều trong công việc sau này.
Nguồn: Internet