Cây Lá Cẩm hay Lá Cẩm có tên khoa học là Peristrophe Roxburghiana, là loại thực vật thuộc họ Ô rô. Đây là cây thảo mộc sống lâu năm, thường có chiều cao trung bình từ 50 cm đến 100 cm. Thân cây nhẵn tròn và có đường kính khoảng 1-2 mm. Trong tự nhiên, lá cẩm mọc thành bụi.
Loài cây này xuất hiện ở nhiều nước trong khu vực phía Nam Trung Quốc, Đông Nam Á và Đài Loan. Tại nước ta, cây thường sinh trưởng phát triển tốt tại các tỉnh miền núi do có điều kiện khí hậu thích hợp để phát triển hơn so với các khu vực khác.
Do đó cây Lá Cẩm thường được trồng phổ biến ở các tỉnh như: Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Bắc Kạn. Hiện nay do được ưa chuộng dùng để nấu xôi nên tại các tỉnh miền Trung và miền Nam cây cũng được trồng và sử dụng nhưng không nhiều như miền Bắc vì điều kiện thời tiết không phù hợp để trồng.
Việc sử dụng Lá Cẩm làm chất tạo màu cho một số món ăn rất được ưa chuộng trên hầu khắp nước ta. Đặc biệt trong số đó không thể không kể đến món xôi Lá Cẩm , xôi ngũ sắc, bánh tét, thạch rau câu, bánh dày, mứt dừa bột Lá Cẩm… màu sắc đẹp hương vị rất hấp dẫn.
Phân loại cây lá cẩm
Cây lá cẩm có 4 loại với các đặc điểm khác nhau, bao gồm:
- Cây lá cẩm tím: Loại cây này còn được gọi là chằm lai. Lá của nó có màu xanh nhạt, mỏng, ít lông, hình trứng rộng. Diện tích mang đốm trắng ở dọc gân lá lớn và đặc biệt là dịch tiết ra có màu tím rất bắt mắt.
- Cây lá cẩm đỏ: Cây này theo dân tộc Nùng còn được gọi là chằm thủ. Lá của chúng có hình bầu dục, gốc lá thon, xanh đậm và có nhiều lông. Mặt trên của lá không có bợt dịch trắng. Khi vò lá sẽ tiết ra dịch màu đỏ.
- Cây lá cẩm tím đậm (cẩm Huế): Theo người Nùng, loại cây này còn có tên là chằm khâu. Nó có lá hình bầu dục, gốc tròn hoặc thon, lá có màu xanh đậm, dày và ít lông. Lá cũng ít gặp đốm trắng ở dọc gân. Khi vò lá sẽ tiết ra dịch có màu tím đậm.
- Cây lá cẩm vàng: Người Nùng còn gọi loại cây này với cái tên là chằm hiên. Cây cẩm vàng vẫn còn mọc hoang khá nhiều nên nó cũng được gọi là cẩm dại. Lá của nó có hình trứng, gốc lá thon, đầu nhọn. Hai mặt lá đều có lông, phiến lá thường nhăn nheo, đặc biệt là phần mép lá. Khi vò lá sẽ tiết ra dịch màu vàng xanh.