Kỹ năng tranh luận

Học tập và làm việc nhóm hoặc sinh hoạt trong môi trường tập thể rất dễ dẫn đến những tranh luận, thậm chí mâu thuẫn, cự cãi bởi quan điểm sống của mỗi người khác nhau. Nhiều bạn trẻ cho rằng, sự tranh luận là cần thiết trong học tập và công việc nhằm đi đến sự thống nhất, đạt kết quả tốt nhất. Môi trường làm việc nhóm vì vậy là bài học bổ ích để bạn trẻ rèn kỹ năng tranh luận, gắn kết tình bạn thêm bền chặt.

Khái niệm: Tranh luận là gì?

Tranh luận, nói đơn giản, là một cuộc bàn cãi để tìm hiểu về phải trái, đúng sai giữa các bên. Nhưng tranh luận không có nghĩa là một cuộc đấu khẩu chửi bới không luật lệ giữa các bên vốn có niềm tin vững chắc vào quan điểm riêng của mình. Trái lại, tranh luận có những quy tắc nghiêm ngặt và các kỹ năng tranh cãi khá phức tạp; và đôi khi bạn phải đứng vào vị trí phản đối điều mà ngày thường bạn vẫn luôn tin tưởng là đúng.

Khái niệm: Chủ đề tranh luận

Nếu tranh luận là một dạng của bàn cãi, thì đương nhiên nó phải có một cái gì đó để hai bên cùng tranh cãi. Đó chính là CHỦ ĐỀ (topic). Mỗi tranh luận có một chủ đề riêng, từ những vấn đề quan trọng trong xã hội ("Liệu có nên bắt buộc đội mũ bảo hiểm?"), hoặc các tư tưởng hoặc khái niệm triết học ("Liệu cái đẹp có hay hơn trí tuệ không?"). Mỗi chủ đề là một câu hỏi bắt đầu với chữ "Liệu", và hai đội tranh cãi xung quanh hai mặt của câu hỏi đó. Đội đồng ý với chủ đề được gọi là đội KHẲNG ĐỊNH (affirmative), hoặc còn gọi là 'chính phủ' trong các cuộc tranh luận quốc hội. Đội phản đối chủ đề là đội PHỦ ĐỊNH (negative), hay còn gọi là 'đối lập' trong các cuộc tranh luận quốc hội. Khi tổ chức một cuộc tranh luận, điều quan trọng là phải tìm chủ đề thích hợp với lứa tuổi và trình độ của những người tham gia tranh luận. Chủ đề thường lấy từ những khu vực mà người tranh luận có mối quan tâm đặc biệt, hoặc nếu là tranh luận ở trường hoặc trong lớp, học sinh có thể lấy những vấn đề trong bài giảng hoặc các vấn đề trên báo chí gần gũi khác.

Khái niệm: Định nghĩa

Trước khi tiến hành tranh luận, hai bên phải thống nhất rằng mình sẽ tranh luận về cái gì. Như vậy, cần phải có sự thỏa thuận: Chủ đề đó có ý nghĩa cụ thể là gì. Có những chủ đề có vẻ khá rõ nghĩa (ví dụ "Liệu có nên bắt buộc đội mũ bảo hiểm?"), nhưng cũng có những chủ đề tranh luận cần phải được làm rõ trước khi tiến hành, như ("Liệu bắp cải có tốt hơn là hoa hồng không?"). Quyết định và giải thích ý nghĩa chủ đề là quá trình "định nghĩa chủ đề tranh luận".

Nhiệm vụ định nghĩa chủ đề là của nhóm KHẲNG ĐỊNH. Nhóm khẳng định phải giải thích bằng từ ngữ rành mạch rằng họ nghĩ chủ đề có nghĩa gì. Thế nào là rành mạch và rõ ràng? Đội khẳng định phải luôn cố gắng sử dụng bài kiếm tra "người ở ngoài phố": Nếu đội trình bày định nghĩa này với một người bình thường ở ngoài phố - thì họ có hiểu theo nghĩa đó hay không?

Nếu vấn đề quá trừu tượng và phức tạp để hi vọng một người bình thường trên phố có thể hiểu được, thì đội khẳng định phải dùng bài kiểm tra 'liệu có hợp lý": Người trong đội phải tự hỏi mình câu hỏi "Liệu định nghĩa này có hợp lý? Liệu một người bình thường có trông đợi một định nghĩa như thế? Liệu định nghĩa có hai mặt để tranh luận không?". Nếu bạn có thể trả lời "có" cho tất cả các câu hỏi trên, thì có lẽ định nghĩa đã "hợp lý". Nếu không trả lời "có" được hết, thì đội phải đi tìm một định nghĩa hợp lý hơn. Cố gắng không dùng đến từ điển, trừ trường hợp có từ nào đó bạn không chắc chắn về nghĩa. Trong định nghĩa chủ đề của mình, hãy giải thích ý nghĩa của toàn bộ chủ đề, thay vì giải nghĩa từng từ trong đó.

Đội PHỦ ĐỊNH có thể đồng ý với định nghĩa, hoặc không thừa nhận nó. Trong trường hợp định nghĩa không hợp lý, hoặc nó quá thiên vị hoặc khép kín tới mức phía đối lập không thể tranh luận, thì đội phủ định có quyền không thừa nhận định nghĩa do bên khẳng định đưa ra. Họ sẽ phải vạch ra những lý do tại sao mình không chấp nhận định nghĩa này, và đề cử một định nghĩa khác tốt hơn để thay thế.

Khái niệm: Phương châm của nhóm

Tranh luận là hoạt động nhóm, do đó những người tham gia phải làm việc chặt chẽ với nhau. Phương châm của nhóm (team line) là một tuyên bố đơn giản kiểu "Tại sao chủ đề lại đúng" (đối với đội khẳng định) và "Tại sao chủ đề lại sai" (đối với đội phủ định). Nó phải là một câu ngắn gọn, được trình bày bởi người trình bày thứ nhất của mỗi đội; và được những người trình bày phía sau dùng để nhấn mạnh trọng tâm tranh luận.

Luật chơi: Vai trò của những người trình bày

Trong một buổi tranh luận, mỗi thành viên có một vai trò riêng mà họ phải thực hiện để hoàn tất nhiệm vụ của mình trong đội. Vai trò đó được đề cập dưới đây, theo thứ tứ người trình bày:

Người trình bày thứ nhất của đội khẳng định phải:

  • Định nghĩa chủ đề
  • Trình bày phương châm (team line) của nhóm khẳng định
  • Nói sơ qua dàn ý mà những người trình bày sau đó của đội sẽ nói
  • Trình bày nửa đầu của những luận cứ ủng hộ chủ đề.

Người trình bày thứ nhất của đội phủ định phải:

  • Chấp nhận hoặc không thừa nhận định nghĩa chủ đề. Nếu không làm bước này, coi như nhóm phủ định chấp nhận định nghĩa mà nhóm khẳng định đưa ra.
  • Trình bày phương châm (team line) của nhóm phủ định
  • Nói qua dàn ý mà những người trình bày sau đó của đội sẽ nói
  • Phản bác lại những điểm chính của người trình bày thứ nhất thuộc đội khẳng định
  • Trình bày nửa đầu những luận cứ phản đối chủ đề.

Người trình bày thứ hai của đội khẳng định phải:

  • Lặp lại phương châm của nhóm
  • Phản bác lại những điểm chính được trình bày bởi người thứ nhất bên đội phủ định.
  • Người trình bày thứ hai nên sử dụng khoảng 1/3 thời gian của mình vào việc phản bác.
  • Trình bày nửa còn lại những luận cứ ủng hộ chủ đề.

Người trình bày thứ hai của đội phủ định phải:

  • Tái khẳng định phương châm của nhóm
  • Phản bác lại một vài điểm chính trong những lập luận của đội khẳng định
  • Người trình bày thứ hai cũng chỉ nên dùng 1/3 thời gian cho việc phản bác.
  • Trình bày nửa còn lại của những luận cứ phản đối chủ đề.

Người trình bày thứ ba của đội khẳng định phải:

  • Lặp lại phương châm của nhóm khẳng định
  • Phản bác tất cả những điểm còn lại trong lập luận của đội phủ định
  • Người trình bày thứ ba nên sử dụng khoảng 2/3 tới 3/4 thời gian của mình vào việc phản bác.
  • Tóm tắt lại các luận điểm của bên khẳng định
  • Làm thủ tục kết thúc tranh luận cho bên khẳng định

Người trình bày thứ ba của đội phủ định phải:

  • Lặp lại phương châm của nhóm phủ định
  • Phản bác tất cả những điểm còn lại trong lập luận của đội khẳng định
  • Người trình bày thứ ba nên sử dụng khoảng 2/3 tới 3/4 thời gian của mình vào việc phản bác.
  • Trình bày tóm tắt lập luận của đội mình
  • Làm thủ tục kết thúc tranh luận.

Cả hai người trình bày cuối cùng đều không có quyền đưa ra lập luận mới cho đội của mình.

Khái niệm: Phản bác

Trong tranh luận, mỗi đội sẽ đưa ra những luận điểm để làm sáng tỏ lập luận của mình. Họ cũng phải dành thời gian chỉ trích các luận điểm do nhóm đối lập đưa ra. Quá trình này gọi là "phản bác". Có một số điều cần nhớ với việc phản bác:

1. Lý luận logic - khăng khăng rằng đối thủ lập luận sai là chưa đủ. Bạn cần phải chỉ ra TẠI SAO đối thủ lại sai. Cách tốt nhất là nhặt một ý chính trong lập luận của đối thủ và chứng minh rằng nó không có nghĩa. Bởi người tham gia tranh luận sẽ phải suy nghĩ rất nhiều, đồng thời rất nhanh trong việc làm này, đây chính là điểm khó khăn nhất, và đồng thời cũng là hấp dẫn nhất, của cuộc tranh luận.

2. Chọn điểm quan trọng nhất - hãy cố phản bác lại những điểm quan trọng nhất trong lập luận của đối thủ. Bạn sẽ thấy rằng, sau khi thực hành một vài lần, những điểm này ngày càng dễ nhận ra. Một chỗ cần để ý tìm [các điểm chính của đối phương] chính là khi người trình bày đầu tiên nói qua về dàn ý mà đội của họ sẽ trình bày. Nhưng đừng phản bác cho tới khi những điểm đó đã được trình bày bởi đội bên kia.

3. 'Đá bóng, không đá người' - không chỉ trích cá nhân người thuyết trình, mà phản bác quan điểm họ nói ra. Gọi ai đó là béo, xấu xí hay ngu ngốc không chứng tỏ được điều người đó nói là sai, mà ngược lại bạn sẽ bị mất điểm.

Kỹ thuật của người thuyết trình

Có nhiều kỹ thuật khác nhau mà mỗi người thuyết trình có thể dùng trong bài phát biểu của mình, nhưng có ba điểm chính mà bạn sẽ được đánh giá trên đó, đó là "nội dung", "phương pháp" và "thái độ".

Khái niệm: Nội dung

Nội dung là những điều bạn nói, là chất liệu của bài phát biểu của bạn. Bạn cần chia nội dung thành 'lý luận' và 'dẫn chứng'.

Lý luận là những phát biểu tựa như "Chủ đề là đúng (hoặc sai tùy theo bạn thuộc bên nào), bởi vì xyz", trong đó xyz chính là lý luận. Lấy ví dụ trong chủ đề "Liệu vườn bách thú có nên đóng cửa?", một lý luận có thể là "Vườn bách thú nên đóng cửa, bởi vì đó là nơi động vật bị giam giữ trong môi trường phi tự nhiên".

Dẫn chứng là những sự thực hoặc ví dụ ủng hộ lập luận của bạn. Nếu lý luận bạn dùng là: "Vườn bách thú nên đóng cửa, bởi vì đó là nơi động vật bị giam giữ trong môi trường phi tự nhiên", thì dẫn chứng có thể là: "Trong khi chuồng sư tử ở Vườn thú Taronga ở Sydney chỉ rộng có 200 mét vuông, thì ở thiên nhiên hoang dã, chúng có cả 2000 km vuông để chạy nhảy".

Bất cứ dẫn chứng nào bạn dùng cũng phải có mối liên quan tới chủ đề đang thảo luận. Những dẫn chứng ít hoặc không dính dáng gì tới chủ đề làm bài phát biểu của bạn trở nên yếu đuối và thiếu nội dung.

Nội dung không thể là một danh sách dài những dẫn chứng. Bạn không thể thắng một cuộc tranh luận bằng cách đưa ra một đống ví dụ hay sự thực. Những sự thực giống như viên gạch trên tường, nếu bạn không biết cách dùng chúng, không biết cách gắn kết chúng lại với nhau, thì chúng hoàn toàn vô dụng.

Tương tự, bạn cũng không thể thắng một cuộc tranh luận nếu chỉ cung cấp một vài chứng cứ rằng đối thủ đã sai. Nó làm lập luận của bạn trở nên yếu đuối, cũng giống như bức tường khi bị gỡ vài viên gạch trong đó. Có một điều chắc chắn là bạn cần phải tấn công mạnh vào những lập luận chính của đối phương, để làm sụp đổ bức tường mà họ xây lên.

Rất nhiều cuộc tranh luận hiện nay liên quan tới các vấn đề quan trọng xung quanh chúng ta, do đó những người tham gia tranh luận cần đọc nhiều về những gì đang xảy ra và những vấn đề có liên quan. Xem tin tức (nhớ là xem của những hãng tin có uy tín như BBC, CNN v.v..), đọc báo thường xuyên (đừng đọc báo lá cải) sẽ giúp bạn có kiến thức để tranh luận.

Khái niệm: Phương pháp

Trong khi nội dung là cái bạn nói, thì phương pháp là cách mà bạn tổ chức điều muốn nói. Có nhiều phương pháp hấp dẫn, và đây là một vài gợi ý:

1. Nhóm: Một phương pháp làm việc nhóm tốt bao gồm sự thống nhất và logic. Thống nhất được tạo ra khi tất cả các thành viên cùng nhận thức được định nghĩa của chủ đề, phương châm của nhóm là gì, và điều mà các thành viên khác đã nói. Mỗi thành viên trong nhóm sẽ phải củng cố thêm phương châm (team line) của nhóm, và phải trước sau như một với những gì nhóm đã và sẽ nói. Bạn có thể tự bắn vào chân mình nếu thay đổi phương châm của nhóm giữa bài thuyết trình của mình vì bạn nghĩ rằng nó không đúng. Nhóm của bạn sẽ trông rất kém về mặt tổ chức và sẽ bị phạt nặng bởi giám khảo.

2. Cá nhân: Bạn phải tạo cấu trúc cho bài nói của mình. Bước thứ nhất là phải hiểu rõ lập luận của mình và những ví dụ mình dùng để hỗ trợ lập luận đó. Nếu bạn có thể tạo ra sự phân chia rõ ràng giữa các lập luận, và thông báo cho khán giả biết khi nào mình chuyển từ lập luận này sang lập luận kế tiếp, thì đó gọi là "sign posting", một công cụ tranh luận cực kỳ quan trọng. Điểm mấu chốt là phải nhớ, mặc dù bạn biết rõ bạn định nói gì, nhưng khán giả là người chưa từng được nghe nó, và chỉ được nghe một lần duy nhất bài phát biểu của bạn, do đó hãy nói rõ ràng để họ có thể nắm bắt được vấn đề.

Khi bạn trình bầy một lập luận nhất định nào đó, hãy đảm bảo rằng lập luận đó có tính logic (có nghĩa), và bạn làm rõ mối quan hệ giữa phương châm của đội và lập luận, giữa lập luận và chứng cứ mà bạn trình bày để hỗ trợ nó.

Phản bác cũng cần phải được tổ chức tương tự. Tấn công lần lượt từng lập luận của đối phương. Hãy dùng một ít thời gian cho lập luận này, rồi chuyển sang lập luận tiếp theo. Như thế mới có hi vọng đập tan toàn bộ lập luận của đối phương.

Hãy chuẩn bị bài trình bày của mình cho kỹ về mặt thời gian. Giám khảo có thể đánh giá xấu nếu bạn chỉ cố nói linh tinh cho hết giờ, hoặc khi bạn dùng quá nhiều thời gian cho 1 điểm nào đó, và sau đó nói thoáng qua các điểm khác và những phản bác để kịp thời gian. Whew! Bạn có thể sẽ sai lầm vài lần đầu, nhưng cứ thực hành nhiều là chuẩn thôi.

Khái niệm: Thái độ

Thái độ là cách bạn trình bày quan điểm của mình, và có nhiều điểm mà bạn cần chú ý khi trình bày. Không có một "khuôn mẫu" dành cho thái độ trình bày của bạn. Không phải cứ đấm bàn và hò hét là bạn sẽ thuyết phục được người khác giống ai đó đã thực hiện thành công. Lời khuyên tốt nhất cho bạn là hãy hình thành thái độ thuyết trình "tự nhiên" nhất đối với bạn. Đây là một số gợi ý và chỉ dẫn:

1. Thẻ nhắc bài: Đừng viết bài thuyết trình của bạn lên những tấm thẻ nhắc bài (cue cards). Hiện đang có một trào lưu khá phổ biến là sử dụng thẻ nhắc bài in từ máy tính. Tranh luận là một bài tập về tương tác thực giữa hai đội, giữa hai đội và khán giả, chứ không phải là thực tập về đọc phát biểu. Chỉ sử dụng thẻ nhắc bài như lời nhắc, phòng trường hợp bạn quên mất mình đang ở đâu, chứ không nên đọc y nguyên từ trong đó. Khán giả có thể nhận ra ngay ai đang đọc thẻ...

2. Tiếp xúc bằng ánh mắt: Hãy nhìn về phía thính giả. Điều này liên hệ trực tiếp tới thẻ nhắc bài. Nếu bạn nhìn về phía thính giả, bạn sẽ dành được sự quan tâm của họ. Nếu bạn nhìn vào thẻ nhắc bài, hoặc nhìn vào một điểm trên trời hay dưới đất, thính giả sẽ mất tập trung rất nhanh. Khi bạn nhìn vào mắt thính giả, trái tim và cái đầu của họ sẽ theo bạn.

3. Giọng nói: Có nhiều thứ bạn có thể làm để giọng của bạn trở nên hiệu quả. Bạn phải nói lớn để người khác nghe được bạn, nhưng 4 phút to tiếng liên tiếp sẽ làm người ta bực bội. Sử dụng âm lượng, cao độ và tốc độ để nhấn mạnh những điểm quan trọng trong bài thuyết trình. Cất giọng bất ngờ và trong thời gian ngắn sẽ thu hút được sự chú ý của thính giả, trong khi những đoạn nói nhỏ nhẹ có thể lôi cuốn thính giả và khiến họ buộc phải lắng nghe cẩn thận.

4. Cử chỉ: Hãy vận động, vận động! Cơ thể của bạn là công cụ mà bạn cần tận dụng. Hãy cố tình tạo những điệu bộ bằng tay với sự tự tin. Hãy di chuyển đầu và nửa trên của thân để duy trì tiếp xúc bằng ánh mắt với tất cả thính giả. Nếu bạn muốn đi đi lại lại, hãy di chuyển một cách hiệu quả và có chủ ý, đừng tạo ra cảm giác bạn đang bối rối. Nếu bạn muốn đứng yên, hãy đứng với sự tự tin. Đừng để cơ thể bạn tỏ ra rằng mình đang bối rối.

5. Những thói quen khi bối rối: Tránh xa chúng ra. Vân vê những tấm thẻ nhắc bài, xoắn xoắn tóc v.v... là điều nhiều người thường làm khi họ bối rối, và chúng làm thính giả mất tập trung vào bài thuyết trình của bạn. Hãy dùng toàn bộ cơ thể bạn vào việc tạo ấn tượng, đừng để bất cứ thứ gì lấy đi khả năng thuyết phục của bạn.

6. Từ ngữ đao to búa lớn: Đây không phải là một bài tập luyện ngữ pháp hay nghệ thuật nói. Tránh không xuồng xã quá, nhưng cũng đừng lên gân quá. Bạn không được thêm điểm khi dùng những từ ngữ đao to búa lớn mà bạn không hiểu hoặc không phát âm được đúng. Do đó, sẽ là một sai lầm lớn nếu bạn để ai đó viết bài phát biểu giùm bạn. Những người nhờ người khác viết sẽ không cảm nhận được không khí của buổi thuyết trình, và không xây dựng được kỹ năng tranh luận, và thường trông rất ngớ ngẩn khi vấp phải những từ ngữ mà họ không phát âm được.

Khái niệm: Cơ chế chấm điểm

Mỗi giám khảo cho điểm theo một thang chuẩn. Bạn được đánh giá 40 điểm cho nội dung, 40 điểm cho thái độ và 20 điểm cho phương pháp, tổng cộng là 100 điểm. Đừng quá lo lắng về điểm, đó chỉ là những con số, và chúng không có nghĩa lý gì nếu bạn không hiểu những lý do phía sau của nó. Giám khảo là những người thân thiện, do đó hãy nói chuyện với họ sau khi tranh luận, họ sẽ nói cho bạn về điểm mạnh và điểm yếu trong quá trình tranh luận của bạn.

Nguồn: Dân luận

Từ khóa