Đại dịch Covid-19 và bài toán an ninh lương thực

Do đại dịch Covid-19 tiếp tục có diễn biến khó lường, ngoài việc giữ an toàn cho người dân khỏi dịch bệnh, đảm bảo an ninh lương thực cũng là một vấn đề quan trọng khi các nguồn cung thực phẩm bị gián đoạn.

Hằng năm, khoảng 9 triệu người trên thế giới, tương đương với dân số của Áo, chết vì đói hoặc các bệnh liên quan đến nạn đói. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) cảnh báo, đại dịch Covid-19 có thể làm tăng gần gấp đôi số người bị mất an ninh lương thực khẩn cấp từ 135 triệu người (năm 2019) lên tới 265 triệu người (năm 2020).

Theo đó, tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp là tình trạng thiếu lương thực khiến cuộc sống hoặc sinh kế của một người gặp nguy hiểm ngay lập tức. Điều này nghiêm trọng hơn tình trạng thiếu ăn trong nhiều năm - khái niệm định nghĩa việc một người không thể tiêu thụ đủ thực phẩm để duy trì cách sống năng động, bình thường.

WFP đã xác định được 26 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất vì mất an ninh lương thực do Covid-19, trong đó, Ethiopia, Nigeria và Mozambique là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất ở châu Phi. Chỉ riêng ba quốc gia trên, WFP ước tính có đến 56 triệu người đang phải sống trong tình trạng không có đủ nguồn thực phẩm cần thiết mỗi ngày.

Thêm vào đó, có đến 350 triệu trẻ em trong tổng số 1,5 tỷ trẻ em trên toàn cầu đang phải dựa vào bữa ăn được cung cấp trong các trường học để tránh cơn đói.

Nỗi lo không của riêng ai

Trong bài viết mới đây trên trang Project Syndicate, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Chủ tịch Viện Thay đổi Toàn cầu và bà Agnes Kalibata, Chủ tịch Liên minh vì Cách mạng Xanh châu Phi xác định, Covid-19 tạo ra bốn thách thức chính liên quan đến chủ đề an ninh lương thực đối với các quốc gia nghèo.

Đầu tiên, các gia đình sẽ có ít thu nhập hơn, trong khi giá thực phẩm lại không ngừng leo thang. Thu nhập bình quân đầu người tại các quốc gia khu vực cận sa mạc Sahara được dự báo giảm hơn 4% trong năm 2020, trong khi lượng ngoại hối từ công dân châu Phi đang làm việc tại nước ngoài cũng giảm tới 80%.

Thứ hai, công tác vận chuyển thực phẩm giờ đây đã trở nên tốn thời gian và đắt đỏ hơn. Hoạt động vận tải đường biển toàn cầu đã giảm 25% trong quý I trong khi chi phí để vận chuyển hàng hóa qua Thái Bình Dương tăng gấp ba lần chỉ tính trong tháng Ba. Các biện pháp giãn cách xã hội và đảm bảo vệ sinh khiến cho quá trình vận chuyển và thông quan hàng hóa kéo dài hơn so với trước.

Thứ ba, dịch bệnh đang khiến cho chuỗi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp toàn cầu bị gián đoạn. Nông dân tại Ấn Độ được yêu cầu tạm dừng các hoạt động thu hoạch lúa mỳ cho đến khi lệnh phong tỏa hết hiệu lực. Việt Nam và Campuchia cũng có biện pháp nhằm hạn chế lượng gạo xuất khẩu. Điều đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia châu Phi, với giá trị nhập khẩu gạo lên tới 4,5 tỷ USD mỗi năm.

uối cùng, dịch bệnh Covid-19 đang khiến cho các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm trên thị trường trở nên khan hiếm hơn, khi các loại hàng hóa này bị tắc nghẽn tại cáccảng biển và cửa khẩu. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính giá trị sản xuất nông nghiệp tại châu Phi có thể giảm tới 7% trong năm 2020, phụ thuộc việc các hoạt động thương mại sẽ bị đình trệ trong bao lâu.

Đòi hỏi sự chung tay

Theo bà Susann Roth, chuyên gia về chia sẻ kiến thức và dịch vụ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các chính phủ cần ưu tiên các chính sách và đầu tư vào chuỗi giá trị sản xuất thực phẩm để giảm mức độ tác động từ Covid-19 đối với chuỗi cung ứng và kiểm soát giá lương thực tăng. Các hệ thống thực phẩm địa phương sẽ có tầm quan trọng cao, trong khi trọng tâm là các thực phẩm và rau quả chủ chốt.

Nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong nước, các chính phủ có thể thực hiện một loạt hành động ngắn hạn, bao gồm duy trì biên giới mở cửa và điều chỉnh thường xuyên chính sách phong toả nhằm giữ liên kết giao thông mở và vận chuyển thực phẩm hoạt động…

Các chuyên gia cho rằng, những tác động ngay lập tức của Covid-19 đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng chỉ mới bắt đầu xuất hiện và nhiều căng thẳng sẽ gia tăng trong vài tuần tới, vài tháng và thậm chí nhiều năm tới. Việc lập kế hoạch là cần thiết ngay bây giờ để tránh giá thực phẩm cao hơn, ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của người dân và an ninh lương thực thấp.

Việc bảo vệ các chuỗi cung ứng thực phẩm là điều còn thiếu trong một chiến lược phòng chống dịch bệnh Covid-19 một cách hiệu quả. Những thách thức là rất to lớn, nhưng các nước có thể vượt qua nhờ vào sự hợp tác mang tính toàn cầu, giữa các doanh nghiệp tư nhân, chính phủ, ngân hàng phát triển, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức nông dân.

Những giải pháp trên phải được thực hiện nhanh nhất có thể nếu chúng ta muốn tránh được một cuộc khủng hoảng thực phẩm tồi tệ xảy ra tại các quốc gia đang phát triển.

Link: https://baoquocte.vn/dai-dich-covid-19-va-bai-toan-an-ninh-luong-thuc-115553.html