Gạo đen có một tên gọi thú vị khác là “gạo cấm”. Lý do được đặt tên như vậy bởi những lợi ích của gạo đen biến nó thành loại gạo quý mà ngày xưa chỉ giới Hoàng gia của Trung Quốc mới được trồng và sử dụng. Cho đến nay, loại gạo này đã được nhiều người biết đến và bắt đầu tiêu thụ mạnh ở Châu Âu và Bắc Mỹ.
Lợi ích của gạo đen
Gạo đen khá giàu chất chống oxy hóa, đầy đủ chất đạm và hàm lượng chất xơ và sắt cao. Ngoài ra trong gạo đen có tới 98% là không chất béo và chỉ số đường huyết G.I. chỉ đạt 42.3, thấp hơn so với gạo trắng (44 – 70) và gạo lứt (55). Điều này cho thấy khi sử dụng gạo đen nguy cơ tăng lượng đường trong máu thấp nên rất thích hợp cho những người muốn giảm cân và phòng ngừa bệnh tiểu đường.
Trong 100g gạo đen có chứa 339 calo, 8.9 g protein, 2 g chất béo (dưới 1g chất béo bão hòa), 70.8 g đường đơn cacbohydrat, 2.8 g chất xơ, không cholesterol và không gluten. Hàm lượng muối natri và muối kali lần lượt là dưới 7 mg và 268 mg.
Cả gạo lứt hay gạo đen đều chứa nhiều chất chống oxy hóa tuy nhiên chỉ có gạo đen chứa anthocyanin. Đây là chất được tìm thấy trong những loại quả có màu tím sẫm và đỏ tím như việt quất, nho, anh đào hay mâm xôi. Nhờ hợp chất anthocyanin này, lợi ích của gạo đen mang lại cho sức khỏe khá tốt như cải thiện trí nhớ, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư.
Trong hội nghị quốc gia lần thứ 240 của Hiệp hội Hóa học Hoa kỳ (ACS) ở Boston, một nghiên cứu được thực hiện bởi tiến sỹ Zhimin Xu cho kết quả rằng “một muỗng cám gạo đen đã cung cấp nhiều hơn hoặc bằng lượng anthocyanin mà một thìa quả việt quất mang lại. Các chất chống oxy hóa trong gạo đen có thể giúp chống lại bệnh tim và giảm lượng cholesterol “xấu” (lipoprotein hoặc LDL) trong máu”.
Đối với sức khỏe con người, lợi ích của gạo đen không chỉ dừng lại ở phòng chữa bệnh tim mạch và ung thư, mà gạo đen còn có thể ngăn ngừa chứng thiếu máu, chống và giảm thành phần gây viêm, ngăn ngừa sự phá hủy tế bào gan và cải thiện chức năng tiêu hóa.