Bạn biết gì về các gốc tự do?

Ngày càng nhiều bằng chứng khẳng định gốc tự do (free radical) là khởi đầu của nhiều bệnh tật. Chúng gây ra quá trình lão hóa và tổn thương tế bào, kéo theo những vấn đề đáng lo ngại về sức khỏe.

Gốc tự do hình thành như thế nào?

Trong cơ thể người, các phân tử có đầy đủ điện tử bao bọc xung quanh thì ở trong tình trạng ổn định về cấu trúc. Gốc tự do là những phân tử “không ổn định”vì chúng thiếu mất một điện tử. Để bù đắp vào sự thiếu hụt ấy, gốc tự do sẽ “chiếm đoạt” điện tử của phân tử ổn định kế bên. Lúc này trong khi gốc tự do đã thành phân tử ổn định thì phân tử vừa bị chiếm đoạt mất điện tử lại trở thành gốc tự do, tạo nên một chuỗi phản ứng không có lợi cho cơ thể.

Cơ chế tác động của gốc tự do

Khi một phân tử trở thành gốc tự do, chức năng của nó bị phá hủy, ảnh hưởng đến toàn bộ tế bào mà nó là thành phần trong đó. Tế bào có thể bị tổn thương, suy yếu hay thậm chí là đột biến. Nhiều nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá, hóa chất ô nhiễm có trong không khí… khiến quá trình sinh sản gốc tự do trong cơ thể diễn biến nhanh hơn.

Sự hình thành gốc tự do trong cơ thể là một quá trình tự nhiên luôn diễn tiến, được coi như một sản phẩm phụ của các phản ứng hóa sinh và hoạt động của enzyme trong cơ thể. Tuy nhiên, số lượng quá nhiều gốc tự do trong cơ thể sẽ gây tổn thương tế bào. Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng các gốc tự do đứng đằng sau những căn bệnh nguy hiểm như ung thư, chứng xơ vữa động mạch, bệnh hen suyễn, tiểu đường, suy giảm khả năng nhìn… Gốc tự do cũng được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng lão hóa. Đôi khi, gốc tự do xuất hiện do cơ thể chúng ta tiếp xúc quá lâu dưới ánh nắng mặt trời, biểu hiện bên ngoài là da bị cháy nắng bỏng rát.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng những gốc tự do không phải luôn luôn gây thiệt hại cho cơ thể. Gốc tự do là thành phần thiết yếu của quá trình phát triển tế bào, vì vậy cần phải có một số lượng nhất định gốc tự do tồn tại trong cơ thể. Chúng cũng được sản sinh khi tế bào bạch cầu cần chúng để tiêu diệt những dị nguyên có thể gây hại cho cơ thể. Gốc tự do lúc đó như là một phần của hệ miễn dịch vậy. Như thế, chỉ khi nào trong cơ thể có quá nhiều gốc tự do thì mới dẫn đến tổn thương.

Chất chống oxy hóa làm vô hiệu gốc tự do

 Trái cây và rau là nguồn cung những  chất chống oxy hóa mạnh

Số lượng chất oxy hóa và gốc tự do nên ở trạng thái cân bằng. Để chống lại tác hại do dư thừa gốc tự do gây nên, cơ thể cần có đủ chất chống oxy hóa. Hóa chất này sẽ làm vô hiệu tác động của gốc tự do. Chất chống oxy hóa được sản sinh từ quá trình trao đổi chất trong cơ thể, theo đó trái cây và rau và nguồn cung dồi dào vitamin, carotenoid, vitamine E (những chất chống oxy hóa mạnh). Tuân thủ chế độ ăn đa dạng các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa sẽ bảo vệ cơ thể trước sự tổn thương của quá trình oxy hóa.

Thu Huyền