Mới đây, Ban lãnh đạo Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam (VBA) và Ban lãnh đạo Hội KHKT An toàn thực phẩm Việt Nam đã có buổi làm việc, trao đổi nhằm tăng cường hợp tác về các vấn đề cùng quan tâm, góp thêm tiếng nói khoa học cho dự thảo Luật liên quan đến ngành Bia – Rượu.
Nên đặt tên là Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn
Tham dự buổi làm việc có PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA, ông Nguyễn Tiến Vỵ - Phó Chủ tịch thường trực VBA, GS.TS Phan Thị Kim – Chủ tịch Hội KHKT An toàn Thực phẩm Việt Nam, đại diện cán bộ Văn phòng Hiệp hội và Hội, đại diện Diễn đàn Uống có trách nhiệm,…
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Việt đã cung cấp những thông tin, số liệu của Tổng cục Thống kê, các tổ chức quốc tế có uy tín về những đóng góp của ngành Đồ uống cho ngân sách Nhà nước cũng như sản lượng, mức tiêu thụ bia, rượu tính theo đầu người ở Việt Nam và thế giới. Đồng thời nhấn mạnh nỗ lực của VBA trong việc tuyên truyền uống có văn hóa, uống có trách nhiệm, tích cực tham gia góp kiến về các vấn đề liên quan đến chính sách…
Về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế soạn thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Việt và GS.TS Phan Thị Kim đều cho rằng, đơn vị soạn thảo nên chỉnh sửa là Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn, bởi bản thân rượu, bia không có tội mà vấn đề chính là ở người sử dụng, nếu uống điều độ, vừa đủ thì sẽ có lợi còn lạm dụng thì sẽ không tốt. Cái gì lạm dụng cũng có hại, không cứ gì rượu, bia. Trên thế giới không có nước nào coi bia là có hại. Không nên xếp rượu bia cùng với thuốc lá, ma túy. Rượu bia còn gắn liền với văn hóa ẩm thực bao đời nay và là thức uống dùng để tiếp khách. Có những nguyên thủ quốc gia khi đến nước ta cũng đã thưởng thức sản phẩm rượu, bia do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Trước đó, Quyết định 244/QĐ-TTg ngày 12/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã lấy tên là Chính sách Quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn. Trên thế giới, nhiều quốc gia, tổ chức cũng lấy tên là phòng chống tác hại của lạm dụng chất có cồn…
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bia, rượu, nước giải khát đều được nhà nước quản lý tốt về chất lượng, sản lượng và các doanh nghiệp cũng chấp hành đúng các chính sách về thuế. Như vậy, không thể nói rượu, bia có tác hại được. Nếu thông tin không đúng thì sẽ ảnh hưởng tới sản xuất của các doanh nghiệp, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách và người tiêu dùng cũng chịu thiệt thòi. Cần đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa uống và uống có trách nhiệm để người tiêu dùng nâng cao ý thức và biết lựa chọn những sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Tại các diễn đàn như tọa đàm, hội thảo do VBA tổ chức, các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, chuyên gia, luật sư đều khẳng định những điều đã nói ở trên.
Rượu thủ công là đối tượng cần tăng cường quản lý
Theo GS.TS Phan Thị Kim, các nhà khoa học cần có nghiên cứu và đưa ra con số uống bao nhiêu thì bị coi là lạm dụng? Loại rượu nào có tác hại? Hiện nay, các loại rượu do nhà máy công nghiệp sản xuất đều có trang thiết bị hiện đại, kiểm soát tốt về chất lượng nên yên tâm về độ an toàn, còn điều đáng lo ngại chính là rượu thủ công đang trôi nổi trên thị trường mà không kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc. Rượu từ quê chuyển ra thành phố rất nhiều, tập trung ở các quán ăn vỉa hè. Người ta lạm dụng chủ yếu các loại rượu thủ công vì giá rẻ, ở các vùng nông thôn có nhiều người “nghiện” loại rượu này. Tác hại ở đây chính là tình trạng nấu rượu thủ công tràn lan ở các vùng quê mà không quản lý, kiểm soát được chất lượng và không thu được thuế.
Theo bà Kim nên tập trung quản lý rượu thủ công thông qua việc kiểm soát chất lượng và đăng ký kinh doanh. Các hộ nấu rượu đều phải đăng ký kinh doanh tại UBND xã và cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng tại nơi sản xuất. Từ đó, nhà nước sẽ thu được thuế và chất lượng cũng được kiểm soát tốt hơn. Chúng ta không thể cấm nấu rượu thủ công mà nên quản lý tại địa phương. VBA cần có thông tin, số liệu thuyết phục gửi tới các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, xem xét, có cái nhìn khách quan và đúng đắn về ngành Bia – Rượu.
Kết thúc buổi làm việc, Lãnh đạo hai đơn vị thống nhất việc hợp tác trong thời gian tới, trong đó có thể tổ chức khảo sát thực tế sản xuất, kinh doanh rượu, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia dinh dưỡng… để các cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng hiểu hơn về ngành. Làm sao để ngành Bia – Rượu phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn nữa vào ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho xã hội.
Theo thông tin trên báo điện tử nld.com.vn, TS-LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: Nhìn chung, dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia được xây dựng theo mô hình, nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012. Tuy nhiên, căn cứ theo Quyết định số 244/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 thì việc đặt tên cho dự thảo là Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia là chưa đúng. Mục đích xây dựng phải là phòng chống sự lạm dụng rượu, bia nên tên luật là Phòng chống tác hại của rượu, bia sẽ dẫn đến không rõ mục đích xây dựng. Theo luật sư Trạch, dự thảo đã đưa ra nhiều khái niệm mới liên quan đến rượu, bia… nhưng còn thiếu tính thống nhất đối với các văn bản của Chính phủ cùng điều chỉnh về vấn đề này sẽ gây sự không thống nhất trong ngữ nghĩa…
Trường Văn - Tạp chí Đồ uống Việt Nam