Ngày 18/11/2015, được sự đồng ý của Công ty TNHH Coca-cola Việt Nam chi nhánh tại Đà Nẵng, khoa Công nghệ thực phẩm- Sinh học (CNTP- SH) Trường Đại học Đông Á đã tổ chức cho gần 40 em sinh viên lớp TP14A1.1 và TP15A1.1 của Khoa thực hiện đợt kiến tập lần đầu tại Công ty Coca-cola Việt Nam.
Với mong muốn giúp các em sinh viên định hướng rõ về ngành mà các em đang theo học, nhận thức được những công việc cần phải biết và sẽ phải làm sau khi rời ghế nhà trường bước vào nghề với tư cách là kỹ sư trên lĩnh vực CNTP- SH. Từ đó, chuẩn bị các kỹ năng cần thiết thích ứng nhanh với môi trường làm việc tại các công ty sau khi tốt nghiệp.
Người đầu tiên mà thầy trò của Trường được tiếp xúc là chị Huỳnh Uyên Trang - Phòng nhân sự công ty Coca-cola Việt Nam. Với nụ cười tươi, ánh mắt thân tình và cử chỉ thân thiện… Chị đã in đậm dấu ấn mến khách và cũng là bài học trải nghiệm đầu tiên về kỹ năng giao tiếp ở trường đời, thân mật đưa thầy trò chúng ta vào phòng hội thảo của Công ty.
Chị Hằng nói chuyện với sinh viên khoa CNTP
Mở đầu buổi nói chuyện, chị Phạm Bích Hằng - Trưởng bộ phận truyền thông của Công ty Coca-cola miền Trung. Với chất giọng nhẹ, ấm áp đầy truyền cảm của người miền Nam. Chị chia sẻ: Coca-cola Việt nam rất vui mừng khi nhận được sự tín nhiệm của các trường Đại Học, trong đó có Đại học Đông Á đã chọn công ty Coca-cola làm hình mẫu điển hình trong ngành nước giải khát để đưa sinh viên Trường đi thực tế tại Nhà máy. Lần đầu tiên, nhà máy Coca-cola Đà Nẵng đón tiếp một số lượng đông đảo 40 sinh viên đến từ một trường đại học.
Chị Hằng giới thiệu về lịch sử 129 năm hình thành và phát triển của thương hiệu Coca-cola trên thế giới và tại Việt Nam. Coca-Cola - một thương hiệu quốc tế nổi tiếng đã có mặt ở khoảng 200 quốc gia trên thế giới. Coca-Cola Việt Nam có các nhà máy đặt tại Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội với hơn 2.000 nhân viên, trong đó 99% là người Việt Nam. Các nhãn hiệu nước giải khát của Coca-Cola tại Việt Nam bao gồm Coca-Cola, Coca-Cola Light, Coke Zero, Sprite, Fanta, Minute Maid Nutriboost, Minute Maid Teppy, Schweppes, Samurai, Dasani và Aquarius. Coca-Cola Việt Nam lấy tiêu chí phát triển bền vững làm trọng tâm cho mọi hoạt động kinh doanh của Công ty. Những hoạt động chính yếu của Công ty là tổ chức môi trường làm việc an toàn, lành mạnh đồng thời ưu tiên đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Các chương trình phát triển bền vững còn được thúc đẩy bởi những mục tiêu cụ thể về tiết kiệm năng lượng, sử dụng nước hiệu quả và cân bằng. Công ty tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ cộng đồng bền vững tại những nơi mà Công ty đặt nền móng hoạt động lâu dài. Từ năm 2010 đến nay, Coca-Cola đã đầu tư hơn 3,5 triệu Đô la Mỹ cho hàng loạt các dự án vì cộng đồng tại Việt Nam. Hoạt động vì cộng đồng chủ yếu tập trung vào các dự án tiếp cận nước sạch, bảo tồn tài nguyên nước ngọt, nâng cao năng lực phụ nữ, hỗ trợ cho các gia đình khó khăn và hỗ trợ thiên tai thông qua Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam.
Góp phần làm cho cuộc sống người dân tốt đẹp hơn cũng là một phần trong chiến lược phát triển bền vững của Coca-Cola Việt Nam, mà người hưởng lợi trực tiếp, đầu tiên luôn là những cư dân quanh khu vực Nhà máy. Mới đây nhất, người dân Thủ Đức (TP.HCM) đã vô cùng vui mừng khi được uống nước sạch thoải mái từ hệ thống lọc nước hiện đại, vận hành bằng năng lượng mặt trời tại EKOCENTER. Mô hình này được Coca-Cola xây dựng như một “Trung tâm hỗ trợ cộng đồng”, nơi người dân địa phương có thể tiếp cận nước uống tinh khiết, năng lượng mặt trời, internet không dây để tận hưởng cuộc sống. Dự kiến đầu tháng 3 năm 2016, dự án EKOCENTER tại quận Liên Chiểu sẽ được hoàn thành, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân trong khu vực.
Trước khi được tham quan trực tiếp nhà xưởng, có cơ hội tiếp cận với với bộ phận sản xuất và bộ phận đảm bảo chất lượng. Anh Trần Hữu Khánh – Phụ trách An Toàn, Sức khỏe, Môi trường và chị Huỳnh Uyên Trang hướng dẫn các em mặc bảo hộ lao động trước khi vào khu vực sản xuất. Với những yêu cầu khắt khe về an toàn trước khi xuống khu vực sản xuất, các em đều phải nắm được các nội quy an toàn: cách đi lại trong nhà máy, cách xử lý khi gặp các tình huống nguy hiểm, v.v...
Trang bị bảo hộ lao động và học an toàn lao động
Lần đầu tiên, các em sinh viên năm 1, năm 2 của khoa CNTP- SH được tận mắt thấy toàn bộ dây chuyền sản xuất của các dòng sản phẩm Coca-cola dưới sự hướng dẫn của anh Võ Đình Phúc (Quản đốc Nhà máy) và anh Võ Thi (Cán bộ giám sát chất lượng Nhà máy). Các em sinh viên bộc lộ cảm nhận của mình: “Chà! tưởng học làm kỹ sư thực phẩm sẽ dễ như nấu ăn nhưng hóa ra không phải là vậy. Đây chỉ mới một nhà máy đồ uống thôi còn biết bao sản phẩm khác nữa. Phải cố lên thôi…”
Các công đoạn chính của quá trình sản xuất sản phẩm Coca-cola lon như sau:
- Công đoạn xử lý nước (Water treatment): Nước ngầm được bơm từ hệ thống máy bơm với độ sâu hơn 30 mét, qua các công đoạn xử lý hóa học, lọc cát, lọc than hoạt tính, lọc thẩm thấu ngược (RO). Nước sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn sẽ được bơm qua công đoạn phối trộn syrup
- Công đoạn phối trộn syrup và nước giải khát (Mixing syrup and Beverage) : Ở công đoạn này nước sẽ được phối trộn với hương liệu nước giải khát, đường theo tỉ lệ xác định để tạo thành sản phẩm mang hương liệu đặc trưng
- Công đoạn chiết rót (Filling and seaming): Nước giải khát sẽ được phối trộn với CO2 để tạo thành nước giải khát có gas và được chiết vào trong lon rỗng. Ngay sau khi được chiết, lon sẽ được chuyển qua công đoạn đóng nắp để cách ly sản phẩm với môi trường bên ngoài.
- Công đoạn đóng gói (Packaging): Lon sau khi chiết sẽ được làm ấm và in ngày sản xuất, hạn sử dụng, nơi sản xuất. Lon thành phẩm sau đó sẽ chuyển qua công đoạn đóng thùng để xuất xưởng.
Sản phẩm được tạo thành trong một công nghệ hoàn chỉnh, hoàn toàn tự động, khép kín đảm bảo tuyệt đối về an toàn, vệ sinh thực phẩm và đặc biệt các chỉ tiêu chất lượng theo chuẩn chung thống nhất toàn cầu của tập đoàn Coca-cola.
Làm thế nào tạo ra một sản phẩm Coca-cola đựng trong chai nhựa?
Bất kì ai trong số chúng ta cũng đều đã được biết qua chai PET trong khi sử dụng nước uống đóng chai hoặc nước giải khát. Nhưng ít ai được biết đến cách tạo ra chai PET (Polyethylene terephthalate) đầy thú vị từ phôi nhựa PET. Các em sinh viên đã không khỏi bất ngờ được thấy cách tạo hình chai nhựa (PET), phôi được chuyển về nhà máy từ nhà cung cấp, sau đó gia nhiệt và đưa vào khuôn định dạng, tạo hình chai bằng khí nén. Chai rỗng được tạo thành qua công đoạn giải nhiệt đáy để ổn định trước khi rót nước giải khát. Có thể nói rằng, xu hướng chung của các công ty nước giải khát hiện nay đang muốn chuyển sang các sản phẩm chứa đựng trong bao bì PET để giảm thiểu chi phí sản xuất (do chi phí mua chai thủy tinh cao và việc kiểm soát số vòng quay phức tạp và chi phí vệ sinh, kiểm tra lớn thêm vào đó rủi ro khi sử dụng chai thủy tinh cao hơn chai PET). Ngành bao bì trong đó mảng thổi chai PET cho nước giải khát là một mảng lớn và chưa có nhiều chuyên gia ở Việt Nam, các em sinh viên có thể định hướng mảng công việc này trong tương lai để tập trung đầu tư nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này.
Làm sao để kiểm soát chất lượng sản phẩm khi sản xuất hàng loạt như Coca-cola?
Điều các em sinh viên rất quan tâm là đối với các dây chuyền sản xuất với tốc độ cao và sản lượng cực lớn như vậy (30,000 lon/ giờ), làm sao để kiểm soát được chất lượng sản phẩm đạt theo tiêu chuẩn của tập đoàn và đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm.
Anh Đoàn Thanh Sơn –Trưởng phòng Chất lượng, An toàn, Môi trường (QEOSH) cho biết: Tất cả các sản phẩm của Coca-cola đều dựa trên tiêu chuẩn của tập đoàn ban hành và thống nhất trên toàn thế giới. Để đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe như vậy thì ngoài việc thiết kế một dây chuyền chuẩn hóa và hiện đại thì còn có sự hỗ trợ của hệ thống quản lý về mặt chất lượng từ nguyên liệu đầu vào đến đầu ra. Thêm vào đó, ở mỗi công đoạn của dây chuyền sản xuất, tất cả các chỉ tiêu đều được đo đạc theo tần suất cụ thể trong kế hoạch kiểm soát chất lượng (Quality plan). Toàn bộ quá trình sản xuất nước giải khát là một hệ thống kín đảm bảo an toàn tuyệt đối với các thiết bị hỗ trợ để loại bỏ các tạp chất lạ và ngăn ngừa mối nguy về vi sinh. Anh Sơn cũng giới thiệu về các chỉ tiêu kiểm tra và hệ thống máy móc thiết bị hỗ trợ phân tích các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn của tập đoàn.
Anh chia sẻ: “Với mong muốn hỗ trợ các em sinh viên tìm hiểu về ngành thực phẩm, nước giải khát, đặc biệt là tìm hiểu quy trình sản xuất của Coca-cola, anh hy vọng sau khi các em học các học phần chuyên ngành sẽ gặp lại các em trong những lần đi thực tập kế tiếp để có thể giúp các em hiểu hơn những gì đã học và áp dụng được vào thực tế sản xuất.”
Nhiều câu hỏi đặt ra đã được giải đáp trong quá trình đi thực tế tại nhà máy Coca-cola. Em Hồng lớp TP14 chia sẻ: “Trước khi bước vào nhà máy, nhiều người cũng hoài nghi trong đó có em về các loại nước giải khát không hợp vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, sau khi trải nghiệm thực tế quy trình sản xuất, thì ý nghĩ đó đã tan biến, thay vào đó là một cảm giác an tâm và sẽ trở thành một đại sứ để giúp mọi người hiểu rõ và xóa tan những hoài nghi về các sản phẩm của công ty Coca-cola cũng như các hoạt động của công ty vì cộng đồng và vì môi trường”.
Em Thoan lớp TP15 cảm thấy vui và hài lòng với chuyến đi thực tế tại nhà máy lần đầu tiên của mình “Em đã tận mắt chứng kiến được dây chuyền hiện đại và tác phong làm việc chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên công ty Coca-cola Việt Nam, chuyến đi là một trải nghiệm tuyệt vời qua đó em có thêm động lực để học tập, phấn đấu trở thành một kỹ sư thực phẩm giỏi trong tương lai. Em cũng nhận thấy một điều rất tuyệt vời nữa ở Coca-cola là việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và chung tay vì lợi ích của cộng đồng là những điều rất tâm đắc em rút ra được qua chuyến đi này”
Thay mặt Nhà trường, PGS. TS. Lê Thị Liên Thanh, trưởng khoa CNTP- SH - Đại học Đông Á chân thành cảm ơn Công ty Coca-cola Đà Nẵng đặc biệt là chị Hằng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để sinh viên của Khoa được tiếp cận với dây chuyền sản xuất Coca-cola và các dòng đồ uống đóng chai khác- hiện là những sản phẩm rất có tiếng trên thị trường. Trong bối cảnh nền giáo dục ngày càng phải theo hướng gắn với thực tiễn và nhu cầu xã hội, đòi hỏi việc liên kết giữa nhà trường – doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ để đào tạo các kỹ sư ngành công nghệ thực phẩm có chuyên môn nghiệp vụ cao, có các kỹ năng và đạo đức tốt. Với mong muốn tăng cường hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp, Khoa CNTP- SH luôn chờ mong nhận được sự hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn nữa trong việc đưa sinh viên về với Doanh nghiệp, có cơ hội việc làm tại Nhà máy và mời các chuyên gia của Công ty tham gia giảng dạy chuyên ngành. Thêm vào đó, Khoa cũng mong muốn cho sinh viên được tham gia các chương trình hỗ trợ cộng đồng của Công ty nhằm giúp các em có thêm kỹ năng sống để biết sẻ chia và chung tay vì cộng đồng. Tạm biệt Nhà máy, lời khuyên nhủ chân thành đầy tâm huyết mà cô Thanh giành cho sinh viên toàn Khoa: “Hãy cố gắng hết mình trong học tập chuyên môn và nâng cao trình độ ngoại ngữ, cống hiến kỹ năng mềm để có thể hòa nhập với môi trường công việc năng động hiện nay”
Chị Phạm Bích Hằng chúc mừng đoàn đã hoàn thành chuyến đi thực tế và bày tỏ sẽ có nhiều dịp để công ty Coca-cola hợp tác với khoa Công nghệ CNTP-SH trong thời gian tới, đồng thời nhắn nhủ các em sinh viên tiếp tục cố gắng học tập về chuyên môn trong lĩnh vực thực phẩm và các kỹ năng làm việc trong nhà máy đặc biệt là công ty nước ngoài thì chìa khóa cho sự thành công là phải học tiếng Anh thật tốt, có như vậy thì chúng ta mới có một nền tảng vững vàng để cạnh tranh tốt các cơ hội việc làm trong tương lai.
Chụp hình lưu niệm với công ty Coca-cola
Chào tạm biệt Công ty Coca-cola, tạm biệt chị Hằng, chị Trang, anh Khánh, anh Thi, Anh Sơn, anh Phúc và các nhân viên của công ty Coca-cola Đà Nẵng. Cảm ơn các anh chị rất nhiều vì đã dành thời gian và tạo cơ hội cho các em sinh viên có thể “mắt thấy, tai nghe” toàn bộ hoạt động của nhà máy. Qua đó, các em phần nào hiểu hơn về ngành học và định hướng được việc học của mình. Với những trải nghiệm như vậy các em sẽ không ngừng “lớn lên” để hoàn thiện mình và trở thành những kỹ sư có chất lượng trong tương lai của đất nước.