Trong những năm gần đây, nước ta có rất nhiều nghiên cứu về nấm dược liệu, đặc biệt là những nghiên cứu về thành phần và công dụng của các hoạt chất dược lý có khả năng chữa bệnh trong nấm. Trong đó, linh chi là một loài nấm được dùng làm thuốc và cũng là loài nấm ăn được tập trung nghiên cứu nhiều nhất. Nguyên liệu phổ biến nhất thường được sử dụng để trồng nấm là mùn cưa cao su được mua từ các tỉnh Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.
Từ xa xưa, Nấm linh chi Ganoderma Lucidum đã được xem như một loại dược liệu quý.
Mặc dù đã có một số nghiên cứu cho thấy hiệu quả của việc trồng nấm trên bã mía những hiện nay ở thành phố Đà Nẵng chưa có đơn vị nào sử dụng nguồn nguyên liệu này để trồng nấm. Xuất phát từ thực tiễn này, vào năm 2015, Khoa CNTP-SH của trường đại học Đông Á đã nghiên cứu và thực hiện sản xuất thí điểm nấm Linh chi Ganoderma lucidum trên nguyên liệu bã mía tại thành phố Đà Nẵng. Sản phẩm nấm Linh chi nghiệm thu sau đề tài nghiên cứu đã được gởi đến Bộ Y tế - Viện Dược liệu Việt Nam để phân tích xét nghiệm và hàm lượng kháng ung thư terpenoid hoàn toàn giống nấm linh chi tự nhiên. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã xác định rõ hiệu quả kinh tế của mô hình trồng nấm trên bã mía, mô hình đã tận dụng được nguồn phế liệu tại địa phương để tạo ra sản phẩm nấm có chất lượng và đảm bảo an toàn để phục vụ cộng đồng.
Sinh viên Khoa Công nghệ Thực phẩm - Sinh học miệt mài đóng gói các bao nấm từ bã mía
Từ năm 2016, Tập thể SV Khoa CNTP-SH của Đại học Đông Á đã tiến hành xây dựng một quy trình trồng nấm linh chi đỏ được kiểm soát chặt chẽ từ khâu xử lý nguyên liệu đến thu hoạch. Tuy nhiên, sản phẩm nấm linh chi đỏ thu hoạch được có giá trị sinh học lớn nhưng chưa được mọi người nhìn nhận đúng giá trị. Dựa trên mô hình sản xuất đó, Khoa CNTP-SH đã định hướng tiếp tục cho SV tiếp tục nghiên cứu sản xuất trà túi lọc Linh chi đỏ để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học này. Từ đây, sản phẩm trà linh chi đỏ với các hoạt chất kháng ung thư được phổ biến rộng rãi trong lòng người tiêu dùng với cách sử dụng đơn giản, bao bì mẫu mã đẹp mắt.
Sản phẩm Trà linh chi UDA đầu tiên nhận nhiều góp ý về bao bì, mẫu mã
Quá trình nghiên cứu sản phẩm mang thương hiệu Đông Á này vấp phải không ít khó khăn. Trong ngày hội giới thiệu lần đầu tiên 20/11 tại trường Đại học Đông Á, sản phẩm đã thu nhận không ít lời động viên cũng như những phản biện đầy thiện ý về hương vị sản phẩm, mẫu mã bao bì cũng như cách thức marketing. Nhận thức được sự hạn chế về mặt quản trị hình ảnh của sản phẩm, Ban lãnh đạo ĐH Đông Á cùng các CBGV đã gấp rút truyền đạt cho các em các kiến thức quý báu về phương pháp sale cũng như marketing.
Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, sản phẩm Trà linh chi UDA đã được khoác lên màu áo mới
Trong lần quảng bá sản phẩm tiếp theo với sự hỗ trợ của Thành đoàn Đà Nẵng tại Trung tâm Hội nghị Helio, sản phẩm trà linh chi đỏ Đông Á đã tự tin hơn khi đứng cạnh các sản phẩm nghiên cứu khoa học khác từ các trường ĐH,CĐ trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Nhận thấy tiềm năng to lớn của sản phẩm nghiên cứu khoa học này, Khoa CNTP-SH đã quyết định đăng ký giấy phép sản xuất cho sản phẩm này và chuyển giao công nghệ với công ty TNHH Thực phẩm Minh Anh để sản xuất sản phẩm trên quy mô lớn.
Tháng 12/2017, Khoa CNTP-SH vui mừng đón nhận lời mời và hỗ trợ của Sở Công thương Đà Nẵng để đóng góp một gian hàng thương hiệu Việt 100% tại Hội chợ hàng Việt vào tháng 12/2017.
Gian hàng Trà Linh chi UDA tại Hội chợ hàng Việt Đà Nẵng 12/2017
Thành công bước đầu của sản phẩm là nguồn động viên và khích lệ to lớn cho tập thể giảng viên và sinh viên của Khoa. Dự kiến sắp đến Khoa CNTP-SH sẽ nghiên cứu phát triển thêm nhiều sản phẩm mới và đẩy mạnh việc mở rộng thị trường để quảng bá rộng rãi các sản phẩm nghiên cứu của Khoa.