Vào sáng ngày 09.05.2023, sinh viên và giảng viên Khoa Thực Phẩm tham dự hội thảo "Xây dựng năng lực cho chuỗi thực phẩm bền vững nhằm nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm tại Việt Nam" do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp APO tổ chức tại khách sạn Nalod Đà Nẵng.
Chương trình hội thảo diễn ra từ 9h00 đến 12h30, với sự tham gia của đại diện đến từ nhiều doanh nghiệp, trường đại học, cơ quan trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đây là dịp để sinh viên và giảng viên khoa Thực Phẩm được nâng cao hiểu biết về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm. Từ đó tạo cơ sở để cải tiến nội dung giảng dạy trong module "Quản lý chất lượng thực phẩm".
Tại hội thảo, bà Darunee Edwards (cố vấn hiệp hội Khoa học và Công nghệ Thực Phẩm Thái Lan) đã chia sẻ về nhiều biện pháp nhằm đảm bảo An toàn thực phẩm và nâng cao hệ thống quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm. Để đảm bảo tuyệt đối về chất lượng thực phẩm thì nhà sản xuất cần đầu tư phương án giảm chi phí làm ra sản phẩm để gia tăng khối lượng sản phẩm, đẩy mạnh các tiêu chí về sức khoẻ trong sản phẩm, tận dụng toàn bộ nguyên liệu sẵn có, hiện đại hoá máy móc và đảm bảo nguồn nhân lực bởi vì nhân lực chất lượng cao là có hạn. Một điều mà các nhà sản xuất cần chú ý nữa là vòng tuần hoàn kinh tế xanh, tuy rằng cần đạt đến sản xuất tốt và sản phẩm chất lượng nhưng không nên phí phạm nguồn lực của thiên nhiên. Trong nửa bài trình bày còn lại, bà Edwards đã nêu ra bộ tiêu chuẩn thực phẩm Codex do tổ chức Nông lương thế giới FAO và tổ chức Y tế thế giới WHO phối hợp thành lập. Bộ tiêu chuẩn thực phẩm Codex gồm 224 tiêu chuẩn cùng với khoảng 140 quy phạm thực hành và hướng dẫn cũng như các khuyến nghị nhằm mục đích bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng trên toàn cầu. Bà luôn nhấn mạnh rằng "mọi nhà sản xuất cần tiếp cận khoa học mà không sử dụng quan điểm cá nhân để kết luận về an toàn thực phẩm".
Để giới thiệu về mô hình tích hợp quản lý chất lượng chuỗi cung ứng, công nghệ 3.5 và đổi mới sáng tạo, TS. Hà Minh Hiệp (Phó Tổng cục trưởng, phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam) đã có bài chia sẻ ngắn trong 30 phút. Theo như ông phân tích, chuối cung cứng càng được tối ưu hoá thì càng nâng cao hiệu suất công nghiệp. Ông đưa ra 5 bước trong mô hình cải thiện hiệu suất của nhà sản xuất:
Bước 1: KAIZEN, sự cải tiến không ngừng nghỉ nhằm mục đích thay đổi tư duy của người lao động.
Bước 2: TPM, nhằm quản lý các lỗi do thiết bị gây ra, các lỗi thuộc về bảo trì, bảo dưỡng.
Bước 3: LEAN nhằm tối ưu chi phí và nâng cao sản lượng; Six Sigma nhằm tìm lỗi, xác định nguyên nhân của lỗi và xử lý lỗi.
Bước 4: KNOWLEDGE MANAGEMENT nhằm quản lý tri thức và lưu trữ, công ty cần hình thành văn hoá ghi chép thành công và ghi chép thất bại để truyền cho các thế hệ học hỏi và cải tiến.
Bước 5: CONCEPT 3.5 nhằm ứng dụng công nghệ IoT vào hệ thống máy móc "hiện tại" để kết nối các nguồn dữ liệu và tiến tới cải thiện công nghệ sản xuất.
Theo sau đó là các bài nói chuyện chuyên đề về Quản lý an toàn trong chuỗi cung ứng thực phẩm của TS. Tạ Thị Tố Quyên (Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng) và chuyên đề về Các ứng dụng số hoá cho chuỗi giá trị thực phẩm an toán, chất lượng và đổi mới sáng tạo của ông Yusuf Tokdemir (chuyên gia nông sản Thổ Nhĩ Kỳ).
Kết thúc hội thảo, bà Vũ Thị Tú Quyên, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hợp tác Quốc tế, TCĐLCL Việt Nam đánh giá sự thành công của hội thảo và gửi lời cảm ơn đến các thành viên tham dự hội thảo.
Phan Thu Thảo