Vào một ngày nắng tình cờ giữa những ngày mưa, sinh viên ngành Công Nghệ Thực Phẩm, Trường Đại học Đông Á được dịp ghé thăm cơ sở trồng thực vật quý hiếm tại núi Sơn Trà để học về cây thuốc. Dẫn đoàn sinh viên là cô TS. Phan Thu Thảo (Trưởng Khoa Thực Phẩm). Bác Phiến là chủ cơ sở nêu trên đã đón sinh viên ngay đường chính và hướng dẫn sinh viên trong suốt chuyến đi. Địa điểm này nằm không quá xa so với trung tâm thành phố, cách chùa Linh Ứng khoảng 1 km. Tuy nhiên đường lên khám phá các loài cây thuốc mọc tự nhiên cũng đòi hỏi sự tập trung “leo núi” cao độ của thầy và trò.
Vừa đến trước sân vườn cơ sở, sinh viên đã bắt gặp nhiều sản phẩm rễ và lá cây thuốc đang phơi khô. Trong đó, nhiều nhất là rễ của sâm Cau Đỏ và sâm Xuyên Đá. Những loài thuốc này đều có tác dụng tốt cho cơ thể, giúp bồi bổ sức khỏe, hỗ trợ hệ tim mạch, bổ thận tráng dương…
Theo chân bác Phiến lên núi để nhận diện một số loài cây dược liệu, sinh viên phát hiện dọc theo hai bên lối mòn là những cây thuốc thượng đang vút cao do bác vun trồng. Đây là loài dược liệu quý và đặc hữu của Việt Nam. Theo lời của nhân công tại vườn thì cây thuốc thượng có thể chữa “bách bệnh”, như sát khuẩn, giảm đau, bổ huyết, chữa viêm loét dạ dày… Hiện một số cây thuốc thượng tại vườn đã nở hoa và cho quả chín trái mùa. Dưới gốc cây thuốc thượng trưởng thành có nhiều cây con mọc lên cho thấy khả năng tái sinh của loài này không quá kém.
Ngoài ra, sinh viên còn được biết thêm một số loài dược liệu mọc trong rừng Sơn Trà như sâm bách bộ, ngấy hương, đinh lăng, chè vằng, lá vối, chòi mòi, ngũ gia bì…
Các loài cây thuốc được trồng ở đây đều sinh trưởng, phát triển tốt và cho sản phẩm thu hoạch quanh năm. Quan trọng là chúng được trồng trong một hệ sinh thái “khỏe”, được lớn lên dưới tán rừng, trong điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khá phù hợp.
Nhiều sinh viên “check in” cùng cây thuốc thượng – một loài cây thuốc quý của Việt Nam. (Ảnh: Olwen Phan)
Sinh viên tò mò về cây thuốc thượng cho quả chín trái mùa. Thông thường quả cây thuốc thượng sẽ chín vào tháng 11 – 12. (Ảnh: Olwen Phan)
Sau khi tìm hiểu một số loài thuốc, sinh viên trải nghiệm thu hoạch rễ sâm Xuyên Đá và sâm Cau Đỏ. Tuy ở vị trí đứng không thoải mái, nhiều cây cỏ mọc xen lẫn chung quanh cây thuốc, nhưng các bạn vẫn cần mẫn thực hiện phát quang bề mặt, đào đất và thu rễ cây dài nhất có thể. Nhiều bạn tỏ vẻ hứng khởi khi tự tay mình đào được thành phẩm.
Sinh viên thu hoạch rễ cây sâm Xuyên Đá (Ảnh: Olwen Phan)
Sinh viên thu hoạch rễ cây sâm Cau Đỏ (Ảnh: Olwen Phan)
Kết thúc chuyến đi, mặc dù sinh viên tỏ vẻ mệt nhọc bởi “leo núi” nhưng kiến thức thu nhặt về cây dược liệu thì không ít. Đặc biệt, một số bạn còn đặt ra ý tưởng chế biến sản phẩm từ cây thuốc như thế nào để chất lượng tốt và thu hút người tiêu dùng.
TS. Phan Thu Thảo chia sẻ đây là một nội dung học khá thú vị về trồng và sơ chế cây dược liệu. Việc học qua thực tế và trải nghiệm thách thức giúp sinh viên tiếp cận kiến thức nhanh chóng và có cái nhìn sâu sắc hơn về hiện tượng, sự vật xung quanh. Chương trình học của ngành Công Nghệ Thực Phẩm và ngành Nông Nghiệp đều được thiết kế các học phần về cây trồng có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh cho con người và nội dung sơ chế biến sau thu hoạch. Qua đó sinh viên sẽ đa dạng hơn trong ý tưởng nghiên cứu khoa học, thực hiện đồ án tốt nghiệp và khởi nghiệp, tạo sản phẩm an toàn - chất lượng tốt từ nguồn nguyên liệu sạch và thiên nhiên.
Toàn thể đoàn sinh viên, giảng viên và chủ cơ sở chụp hình lưu niệm. (Ảnh: Olwen Phan)