Quan Tâm Chế Độ Dinh Dưỡng Để Giảm Tỷ Lệ Người Béo Phì, Mắc Các Bệnh Mạn Tính

Ngày 21.4, Hội Nghị khoa học chủ đề “Dinh dưỡng, thực phẩm với sức khoẻ và phòng bệnh” đã chính thức diễn ra tại Trường Đại học Đông Á.

Hội nghị được diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến dưới sự chủ trì của PGS.TS.NGND Phạm Ngọc Khái – Chủ tịch Hội Dinh Dưỡng Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh – Viện Y học ứng dụng Việt Nam và lãnh đạo ngành Dinh dưỡng trường đại học Đông Á.

Có hơn 150 người tham dự trực tiếp, 25 báo cáo chuyên đề đến từ hơn 30 nhà dinh dưỡng học, nhà nghiên cứu, bác sĩ, giảng viên và sinh viên ngành Dinh dưỡng trường đại học Đông Á.

Xuyên suốt hội nghị là những phân tích vừa tổng quan vừa chuyên môn sâu ở từng phiên làm việc: Gánh nặng kép về dinh dưỡng ở Việt Nam trong giai đoạn dinh dưỡng chuyển tiếp; quy định hiện hành về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện; các nghiên cứu về tình trạng dinh dưỡng theo độ tuổi và theo trường hợp bệnh lí,... từ đó đưa ra các khuyến nghị, giải pháp cải thiện chất lượng và chế độ dinh dưỡng phù hợp cho từng đối tượng dựa trên y học bằng chứng.

"Chính sách dinh dưỡng cần quan tâm tới tất cả các nhóm đối tượng, các vùng kinh tế; quan tâm cả bệnh viện và cộng đồng, tạo chính sách dinh dưỡng chủ động dự phòng từ cộng đồng đến bệnh viện cũng như chính sách dinh dưỡng hỗ trợ điều trị từ bệnh viện đến cộng đồng", PGS.TS.NGND Phạm Ngọc Khái – Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam chia sẻ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Thu Tùng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng nhận định chúng ta đang bị tấn công bởi rất nhiều loại hình thực phẩm tràn ngập trên thị trường. Đồng thời cũng đang đối mặt với một sự dịch chuyển rất lớn từ nhu cầu của người dân, đó là nhu cầu từ "ăn no mặc ấm" sang "ăn ngon mặc đẹp".

"Chính vì "ngon miệng" nên hàm lượng lí trí trong việc ăn ngon là rất ít, có thể dễ dẫn đến hoặc thiếu hoặc thừa dinh dưỡng và nguy cơ rối loạn chuyển hoá trong cơ thể mỗi người", ông Tùng chia sẻ.

Cũng theo thống kê từ Viện dinh dưỡng, tỉ lệ người thừa cân, béo phì, người mắc các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng ngày càng gia tăng; tỉ lệ suy dinh dưỡng và nạn đói tiềm ẩn do thiếu vi chất dinh dưỡng và suy dinh dưỡng vẫn song song tồn tại.

Thêm vào đó, thời gian gần đây, tình hình ngộ độc thực phẩm tập thể và đơn lẻ diễn ra ở nhiều tỉnh thành với các mức độ khác nhau, trong đó nhiều vụ đã có tử vong.

"Trải qua hơn hai năm đại dịch Covid-19, và trong cảnh đại dịch phức tạp thì việc áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý cùng với rèn luyện thể lực để tăng cường sức đề kháng của cơ thể là rất cần thiết. Việc trao đổi, cập nhật kiến thức về dinh dưỡng, thực phẩm với phòng bệnh dựa vào y học bằng chứng tại hội nghị sẽ đúc kết được những giá trị khoa học và ứng dụng triệt để vào thực tế để có những kết quả tốt đẹp cho một tương lai người Việt trí tuệ, cao lớn và khoẻ mạnh.", TS. Đỗ Trọng Tuấn – Phó Hiệu trưởng thường trực trường đại học Đông Á chia sẻ tại hội nghị.