Nghiên cứu khoa học phục vụ cộng đồng

Đó là lời khẳng định của Ban Lãnh đạo trường ĐH Đông Á trong buổi hội thảo “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học” được tổ chức sáng ngày 6/6/2015.

Buổi hội thảo có sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học đầu ngành đang công tác tại TP. Đà Nẵng và toàn bộ cán bộ giảng viên trường ĐH Đông Á. Mở đầu là tham luận “Chia sẻ kinh nghiệm về triển khai các nhóm nghiên cứu và giảng dạy ở trường Đại học". 

PGS.TS. Võ Văn Minh cho rằng: nhà khoa học trong nước có đủ năng lực nghiên cứu và năng lực chuyển giao, nhưng thiếu đối tác chuyển giao, thiếu kinh phí nghiên cứu. Đồng thời, chưa liên kết giữa các lĩnh vực khoa học để khai thác thế mạnh, do đó một trong những yếu tố để nghiên cứu khoa học thành công là biết triển khai các nhóm nghiên cứu – giảng dạy. Tập hợp những nhà khoa học cùng giải quyết chung một vấn đề theo quan điểm "Tư duy cá nhân – Trí tuệ tập thể". PGS.TS. Võ Văn Minh chia sẻ kinh nghiệm triển khai nhóm nghiên cứu mà bản thân ông đã từng thực hiện, trong đó, quá trình xây dựng và hoạt động phải đồng bộ, hợp tác tin cậy, tôn trọng, thường xuyên có sự giao lưu trao đổi trong và ngoài nước về những đề tài khoa học.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chinh chia sẻ tham luận "Chọn vấn đề nghiên cứu và cách thức đặt tên đề tài nghiên cứu khoa học”. PGS nhấn mạnh: Nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học công nghệ thông qua việc chọn vấn đề, xác định rõ mục tiêu nghiên cứu, cách thức đặt tên đề tài, … tất cả đều hướng vào phục vụ nhu cầu cộng đồng. Theo đó, đề tài nghiên cứu khoa học phải có ý nghĩa khoa học, giá trị thực tiễn, có tính ứng dụng khả thi, phù hợp với năng lực nhà nghiên cứu,…

PGS.TS. Trần Thị Minh Diễm đưa ra những hướng dẫn cụ thể với tham luận "Cách viết một bài báo khoa học". Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, các bài báo khoa học có vai trò rất quan trọng, không chỉ là bản báo cáo về một công trình nghiên cứu, nó còn đóng góp cho kho tàng thông tin tri thức thế giới. Từ những bài báo khoa học, các nhà khoa học có dịp trao đổi, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để có những phát kiến nghiên cứu mới. Chính vì vậy, bài báo khoa học cần có sự trình bày rõ ràng, hành văn mach lạc, nội dung tập trung vào đề tài. PGS cũng hướng dẫn cụ thể các đặt tựa đề bài báo, bản tóm tắt, những bản số liệu, biểu đồ,… để có bài báo khoa học hoàn thiện nhất.

Trong tham luận “Xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học”, PGS.TS. Phạm Hảo khẳng định, Đại học Đông Á tuy sinh sau đẻ muộn so với các trường đại học khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhưng đã quy tụ được một đội ngũ cán bộ khoa học có nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. PGS đưa ra những con số dẫn chứng cho sự phát triển của công tác nghiên cứu khoa học tại ĐH Đông Á, song song đó, PGS cũng đưa một số giải pháp để có thể thể xây dựng được một đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học vững mạnh, đồng bộ, đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, có cơ cấu hợp lý,… để đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.

Trong phần thảo luận, các nhà khoa học chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình nghiên cứu khoa học của bản thân; mổ xẻ những vấn đề còn tồn đọng trong công tác nghiên cứu trong và ngoài nước để có cái nhìn toàn diện và phương hướng cụ thể nâng cao chất lượng các đề tài khoa học. Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào – Chủ tịch HĐQT trường ĐH Đông Á hoan nghênh tâm huyết của các nhà khoa học, đồng thời đề xuất nghiên cứu một số đề tài khoa học phục vụ cho sự phát triển toàn diện của thành phố Đà Nẵng và miền Trung. Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào cũng nhấn mạnh về tính ứng dụng thực tiễn, phục vụ lợi ích cho cộng đồng của đề tài và trường ĐH Đông Á luôn sẵn sàng hợp tác, tích cực hỗ trợ trong cả quá trình nghiên cứu.

Phát biểu tổng kết hội thảo, GS. TSKH Lê Văn Hoàng - Hiệu trưởng trường ĐH Đông Á đánh giá: Nghiên cứu khoa học ở nước ta đang đứng trước một yêu cầu đổi mới toàn diện, từ việc nghiên cứu đến đánh giá, nghiệm thu. Qua 4 tham luận của các tiến sĩ, giáo sư cùng với những ý kiến thảo luận sâu sắc, tất cả chúng ta đều cùng có nhận thức chung: Biết chọn lọc đề tài nghiên cứu và cách thức đặt tên đề tài; Nhận thức được các loại hình đề tài; Nhiệm vụ của chủ nhiệm đề tài; Yêu cầu và các vấn đề cần giải quyết của đề tài cấp cơ sở. Hi vọng, sau hội thảo, chúng ta sẽ thật sự nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học, đề xuất được cái mới để ứng dụng phục vụ cho cộng đồng.

Từ khi thành lập, trường ĐH Đông Á luôn quan tâm đầu tư hoạt động nghiên cứu khoa học. Đội ngũ nhà nghiên cứu không chỉ quy tụ các chuyên gia đầu ngành, cán bộ giảng viên mà còn có cả những sinh viên đang theo học từ năm nhất đến năm cuối. Hàng tháng, trường tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, báo cáo đề tài nghiên cứu của cán bộ, giảng viên. Các sinh viên cũng thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường và cấp khoa. Hầu hết những nghiên cứu này đều có tính ứng dụng ngay vào thực tiễn. Ngoài ra, trường cũng tổ chức xây dựng Tập san chuyên đề Khoa học & Giáo dục công bố các đề tài nghiên cứu, những tham luận thực tiễn và trao đổi thông tin giữa các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.