Sản xuất Măng tây hữu cơ giống như sản xuất các loại rau khác, bao gồm phát triển một hệ thống dinh dưỡng phù hợp và quản lý cỏ dại, sâu bệnh có hiệu quả.
Cây Măng tây (Asparagus) ít sâu bệnh nghiêm trọng gây hại nên có thể trồng không áp dụng thuốc hóa học và trồng theo phương pháp hữu cơ. Cần quản lý cỏ dại tốt, đặc biệt là thời kỳ xây dựng cơ bản. Đó là những điều chủ yếu nhằm sản xuất Măng tây hữu cơ an toàn, thỏa mãn về năng suất và chất lượng.
Sản xuất Măng tây hữu cơ giống như sản xuất các loại rau khác, bao gồm phát triển một hệ thống dinh dưỡng phù hợp và quản lý cỏ dại, sâu bệnh có hiệu quả.
Đặc điểm sinh trưởng
Măng tây thuộc loại cây lâu năm. Đọt non của Măng tây bắt đầu từ những chồi dưới mặt đất, kéo dài ra để hình thành mầm trên mặt đất nhất là thời kỳ nhiệt độ ấm. Những mầm nầy được cắt khi thu hoạch, tạo điều kiện cho các mầm mới phát triển từ các chồi dưới đất. Việc thu hoạch các đọt Măng tây tiếp tục cho đến khi các đọt (mầm) nầy trở nên giảm chất lượng thường trong điều kiện thời tiết nóng hoặc giá thị trường giảm.
Khi ngừng thu hoạch, các đọt Măng tây có thể hình thành các lá phát triển đầy đủ. Trong thời kỳ này cây quang hợp và tái bổ sung dinh dưỡng trong ngọn cây cho thu hoạch năm sau. Một số cành nhánh già tự chết lụi tàn đi.
Măng tây có thể gieo trong bầu hoặc gieo thẳng cây con ra đất sau 2-3 tháng nhổ, ngâm rễ vào dung dịch Trichoderma sát khuẩn trước khi trồng
Chọn giống Măng tây
Giống cho sản xuất hữu cơ có thể là giống từ thụ phấn mở (open-pollinated) hoặc ưu thế lai (hybrids), nhưng giống không thể là kết quả của kỹ thuật di truyền - tức là chèn ADN vào cây trồng (GMO).
Trồng Măng tây cần giống có nhu cầu nhiều trên thị trường, thích hợp đất đai và khí hậu địa phương. Trong điều kiện trồng hữu cơ cần thêm sự thích nghi như chống chịu sâu bệnh, nhẹ phân, sinh trưởng mạnh...
Một số giống Măng tây thích hợp cho chế biến; một số giống thích nghi thị trường bán tươi. Tùy theo đó mà chọn Măng tây xanh hoặc trắng? Nhiều giống của Châu Âu không thích hợp cho vùng nóng vì các đọt có khuynh hướng mất chất lượng khi các lá bắc có khuynh hướng mở sớm trước khi phát triển đầy đủ trong điều kiện nóng.
Nghiên cứu cho thấy các giống Măng tây California thích hợp nhất trong điều kiện nóng. Nên chọn các giống kháng bệnh, đặc biệt các bệnh nấm Fusarium sp. và Phytopthera sp.
Thiết kế vườn và chuẩn bị trước khi trồng
Thiết kế vườn Măng tây hết sức quan trọng, cần chuẩn bị sớm. Chọn đất thích hợp như đất phù sa, đất đỏ, đất xám, thịt nhẹ có pha cát; đất tơi xốp, giàu mùn, giàu chất hữu cơ, cao ráo, dễ thoát nước, có tầng canh tác dày trên từ 30 cm. Độ ẩm đất trung bình từ 65 – 70%, độ pH từ 6,6 – 7,0, không bị phèn chua, không bị ngập úng trong mùa mưa, chủ động tưới nước.
Đất được cày bừa kỹ, phơi ải, nhặt sạch cỏ dại, xử lý nấm bệnh và tuyến trùng, làm đất bằng phẳng. Lên liếp rộng 100 – 120 cm, cao 20 – 25cm.
Khi trồng đào các rãnh rộng khoảng 15 cm và sâu khoảng 20 cm là phù hợp để trồng cây có bầu. Hoặc có thể gieo thắng, nhỗ cây con sau 2-3 tháng đem ngâm vào dung dịch vôi 1/1000; chế phẩm Trichoderma phòng nấm bệnh trước khi trồng.
Chú ý Măng tây không ưa đất quá ẩm và úng nước, vì vậy cần làm những rảnh thoát nước tốt cho cây khi phát triển, nên trồng ở những nơi thoát nước tốt và có nguồn nước sạch để tưới.
Quản lý đất và dinh dưỡng cho cây Măng tây
Măng tây được trồng trên nhiều loại đất nhưng tốt nhất trên đất có dinh dưỡng cao,chống xói mòn là điều kiện tối ưu cho sinh trưởng và tránh thiếu các dinh dưỡng chủ yếu.
Đất cần được phân tích tình trạng dinh dưỡng trước khi trồng nhằm nắm được thành phần dinh dưỡng trong đất.
Trong điều kiện sản xuất hữu cơ không áp dụng phân bón hóa học, nếu có điều kiện nên trồng cây phân xanh trước và cày vùi vào đất trước khi trồng cho phân hủy dinh dưỡng cung cấp cho cây.
Phân trộn (compost) là chất bồi dưỡng đất quan trọng và nên áp dụng hàng năm cho Măng tây.
Mức phân bón khuyến cao tùy điều kiện đất đai và điều kiện trồng, mức khuyến cáo chung ở một số vùng trồng Măng tây theo công thức như sau:Đạm nguyên chất khoảng 150 kg (N),50 kg lân nguyên chất (P) và 50 kg kali nguyên chất (K) cho một ha, một năm.
Mô hình liên kết sản xuất Măng tây an toàn gắn bao tiêu sản phẩm tại huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
* Phân đạm: Kết hợp cây phân xanh có thể cung cấp từ 80 - 150 kg đạm nguyên chất (N) mỗi năm, trong khi phân bò trộn (compost), (phân tích mức 2% N trên cơ sở trọng lượng tươi), áp dụng 6 tấn/ha/năm, có thể cung cấp 120 kg N nguyên chất. Do sự thay đổi trong các kiểu phân trộn, nên cần phân tích riêng về hàm lượng dinh dưỡng.
Trường hợp sử dụng nguồn phân trộn từ bên ngoài, cũng cần phải phân tích thành phần loại kim loại nặng theo quy định.
* Phân lân: Phân lân (Phosphorus) nên cung cấp lân dạng lân thiên nhiên (đá phốt phát). Trong điều kiện sản xuất trong nước, chúng ta có thể áp dụng phân lân nung chảy Văn Điển, đã được chấp thuận của tổ chức chứng nhận hữu cơ độc lập ControlUnion (CU) từ năm 2015.
* Phân kali: Kali (Potassium) có thể cung cấp nguồn hữu cơ thông qua phân trộn (composts) hoặc chiết xuất từ rong biển.
Phân hữu cơ thương mại cung cấp dinh dưỡng thường có sẵn trên thị trường nhưng cần phải cân nhắc cẩn thận hiệu quả kinh tế và độ tin cậy. Có các tổ chức quốc tế công nhận phân hữu cơ chính thống, ví dụ OMRI, CU, ECOCERT…Nhưng nếu chỉ dựa vào phân hữu cơ thương mại mà coi thường quản lý đất và áp dụng phân xanh, phân trộn là không được khuyến khích.
Việc bón phân hàng năm nên thực hiện trước khi canh tác và trước khi thu hoạch.
Nghiên cứu cho thấy rằng lượng N, P, và K do cây trồng lấy đi từ đất trong khoảng 34, 6 và 18 kg/Ha, theo thứ tự. Vì vậy chúng ta cần cung cấp thay thế lượng dinh dưỡng này hàng năm. Sự cung cấp có thể còn phải bù đắp cho mất do rửa trôi, chảy tràn bề mặt và do bốc hơi dinh dưỡng.
Quản lý cỏ dại
Trồng hữu cơ không được áp dụng thuốc trừ cỏ hóa học. Áp dụng canh tác và cơ giới vật lý phòng trừ cỏ. Quản lý cỏ dại rất quan trọng trong sản xuất Măng tây giai đoạn kiến thiết cơ bản và nên bắt đầu trước khi trồng. Điều này bao gồm chọn vùng ít cỏ dại, và sử dụng phương pháp canh tác và gieo trồng phù hợp. Kích thích cỏ phát triển và làm đất diệt cỏ trước khi trồng.
Trồng cây phân xanh và các cây trồng ngắn ngày nhằm hạn chế cỏ dại và tăng cường dinh dưỡng cho đất. Kết hợp nhỗ tay cỏ những loài khó kiểm soát khác.
Cỏ dại ảnh hưởng phát triển khi cây Măng tây non cạnh tranh yếu với cỏ dại. Sử dụng vật liệu hoặc trồng cây che phủ đất chung quanh cây non hạn chế cỏ dại.
Trồng cây xen giữa hàng Măng tây (đậu phộng, cây ngắn ngày) lúc cây non giúp giảm cỏ dại và tăng thu hoạch.
Che phủ cây Măng tây còn giúp hạn chế ảnh hưởng của nhiệt độ lạnh và nóng, hoặc kéo dài thu hoạch. Điều này cũng là lợi thế nếu thị trường thích hợp hoặc ngược lại.
Nghiên cứu cho thấy khi Măng tây non được che phủ bởi rơm rạ, mùn cưa, vỏ cây có thể hạn chế cỏ dại.
Phương pháp diệt cỏ dại bằng dùng lửa đốt là một lựa chọn khi trồng hữu cơ, áp dụng trước khi trồng hoặc trước khi các chồi non Măng tây mọc lên trên mặt đất. Áp dụng với thời gian thích hợp, tia lửa gas có thể là biện pháp diệt cỏ hữu hiệu trong hệ thống sản xuất Măng tây hữu cơ.
Phòng trừ cỏ trong khi thu hoạch (đặc biệt là Măng tây tự gieo): Việc thu dọn trong khi thu hoạch bằng cách loại bỏ tất cả các chồi măng tây đâm ra phía trên mặt đất và sau đó đốt cháy cỏ dại. Lưu ý rằng tia lửa có hiệu quả nhất đối với cỏ dại vừa mới nổi lên.
Hệ thống trồng xen
Măng tây sẽ không đạt được năng suất tối đa trong ba năm đầu, do đó, lợi nhuận tương đối thấp trong những năm đầu. Thu hoạch có thể được bù lại một phần bằng trồng xen giữa các hàng Măng tây với các loại rau khác hoặc đậu…Trồng xen cây trồng giữa hàng Măng tây cũng giúp làm giảm vấn đề cỏ dại.
Bất kỳ xen canh nào cũng đòi hỏi phải có chế độ dinh dưỡng và quản lý nước tốt để giảm sự cạnh tranh với măng tây, và cần phải chăm sóc để đảm bảo cây trồng không bị sâu bệnh.
Xen canh Măng tây với cây họ đậu phát triển thấp có thể có hiệu quả trong việc giảm cỏ dại liên hàng, cung cấp dinh dưỡng cho Măng tây và cải thiện cấu trúc của đất. Nghiên cứu đã chỉ ra có sự ảnh hưởng cạnh tranh từ vụ mùa trồng cây phủ đất trong năm kiến thiết và vài năm đầu sau khi trồng Măng tây. Vì vậy, cung cấp đủ dinh dưỡng và tưới nước cho cây phủ đất có thể làm giảm hiệu ứng này.
Hai vụ mùa trồng cây che phủ đất có thể áp dụng: Loại thứ nhất liên quan đến việc trồng một loại cây trồng lâu năm có tuổi thọ ngắn, được cắt xén hoặc cắt tỉa thường xuyên để có lợi ích tối ưu. Loại thứ hai có thể sử dụng che phủ một bên, cắt tỉa, hoặc thu hoạch thức ăn gia súc, với những kiểu cắt hướng quanh cây Măng tây. Điều này cung cấp thêm dinh dưỡng và phủ đất thêm lợi ích cho cây Măng tây.
Nếu sử dụng hệ thống trồng xen này, khoảng cách thích hợp phải được áp dụng từ đầu giữa các hàng Măng tây để cho phép vận hành máy móc dụng cụ thu hoạch hoặc cắt giảm Măng tây theo mùa; trồng cỏ và sản phẩm thu hoạch khác. Trồng trọt trên hàng cây trồng xen nên nông cạn hạn chế cạnh tranh với Măng tây và thu hoạch tránh làm hỏng ngọn Măng tây.
Phòng trừ sâu bệnh cho măng tây hữu cơ
Măng tây có một số sâu bệnh quan trọng. Quan trọng nhất là bọ trĩ và rệp có tên khoa học là Nysius vinitor; Lygaeidae. Hai loại này khó dự báo và kiểm soát vì thường xuất hiện ban đêm theo bầy đàn.
Bọ trĩ (Thrips) rất nhỏ bé, ăn hại trên các đọt Măng tây đang phát triển, gây méo mó. Bọ trĩ hành (Thrips tabaci) là phổ biến nhất. Bọ trĩ xuất hiện trên Măng tây khi cây ký chủ chúng cư trú già cỗi hoặc khô. Một số lớn cỏ dại và cây kiểng lâu năm là cây ký chủ của bọ trĩ.
Bọ trĩ có thể gây hại Măng tây. Biện pháp hữu cơ sinh học là sử dụng lá húng quế tạo chất phun xua đuổi bọ trĩ. Sử dụng côn trùng ăn thịt giảm số lượng bọ trĩ. Các loại thiên địch hiệu quả như nhện ăn thịt (Amblyseius) hay bọ cánh mỏng xanh (Mallada signata). Nên phóng thích thiên địch sớm trong mùa trồng và phóng thích nhiều lần.Cần tiến hành điều tra sâu và thiên địch đều đặn.
Một số loại chế phẩm hữu cơ có thể áp dụng phòng trừ bọ trĩ hiệu quả bao gồm dung dịch xà phòng, hoa cúc tự nhiên (natural pyrethrum; nhưng nó cũng hại thiên địch) và dầu khoáng sử dụng cho vườn.
Loài rệp (Nysius vinitor) thường có trong các hạt cỏ dại và từ đây chúng chuyển sang các loại cây nông nghiệp. Một số vùng có thể thành dịch trong mùa xuân hoặc mùa hè.
Kiểm soát bằng việc dọn vệ sinh cây ký chủ cỏ dại chung quanh vườn.Các loài rệp hại như rệp đất chân đỏ và rệp hai chấm.
Ngoài ra, Măng tây còn có các loài ốc và sên có thể gây hại. Sử dụng vịt để tiêu diệt loài này.
Fusarium sp. và Phytopthera sp. là hai loài bệnh nấm quan trọng trong Măng tây trồng vô cơ truyền thống. Kiểm soát bằng việc quản lý đất trồng và tưới tiêu tốt, sử dụng giống kháng, và sử dụng cây con khỏe (vườn ươm và cây khỏe) sẽ hạn chế tối đa các bệnh này.
Ngoài ra nấm Stemphylium sp. là loài nấm gây ra các đốm trên lá Măng tây. Nó thường xẩy ra trong vùng thời tiết mưa rào hoặc nơi sử dụng hệ thống tưới trên cao.Các triệu chứng bao gồm các đốm tím trên lá và chồi. Loại bỏ các cành lá già sẽ giúp làm giảm mức độ của bệnh này.
Ngoài ra còn có các bệnh khác được báo cáo gần đây như bệnh rụi thân Măng tây (Asparagus stem blight-Phomopsis asparagi), phá hủy cây và rất khó trị; Bệnh rỉ sắt măng tây (Asparagus rust-Puccinia asparagi). Bệnh rỉ làm yếu cây và giảm năng suất; Bệnh loét (Anthracnose-Colletotrichum gloeosproioides), là bệnh tàn phá Măng tây mạnh như gây các tổn thương lớn trên cành lá Măng tây.
Phòng trị các bệnh nấm: Hiện nay có nhiều chế phẩm có thể áp dụng phòng trị bệnh nấm trên Măng tây hữu cơ như: Chế phẩm sinh học TRIMYCO; Pseudomonas; Trichoderma. Tuy nhiên, sản xuất hữu cơ cần phải đăng ký các chế phẩm này với cơ quan chứng nhận độc lập.
Thu hoạch Măng tây
Măng tây cho thu hoạch sau trồng từ 6-9 tháng. Thời gian ươm giống 2-3 tháng, trồng ra đất 4-6 tháng bắt đầu cho măng tơ, thu hoạch liên tục mỗi ngày, có thể cho thu hoạch kéo dài 6-8 năm, thậm chí 10-15-20 năm. Sản phẩm của cây Măng tây là các chồi măng non. Mùa thu hoạch có thể kéo dài do áp dụng kỹ thuật canh tác gọi là “canh tác cành mẹ”. Với kỹ thuật này, một đọtmăng tây được cho phép hình thành cành lá, trong khi các chồi khác (trong ngọn) tiếp tục thu hoạch. “Cành mẹ” cung cấp một số dinh dưỡng bổ sung, hơi kéo dài vụ thu hoạch. Tuy nhiên, phương pháp kéo dài mùa vụ này có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của vườn và do đó ảnh hưởng tổng tiềm năng sản xuất của Măng tây.
Thu hoạch thường tiến hành vào sáng sớm.Tùy theo nhu cầu điều kiện thị trường chế biến. Chồi được cắt (nhỗ tay) phần dưới mặt và phần nhô lên trên mặt đất khoảng 20 cm hoặc hơn. Sau đó chồi được tỉa còn khoảng 18 cm. Chồi được gom lại và giữ trong mát cho đến khi hoàn thành thu hoạch và di chuyển khỏi vườn.
Bào quản sau thu hoạch Măng tây
Măng tây có thể giảm chất lượng nhanh chóng, nên phải được làm lạnh càng sớm càng tốt sau khi thu hoạch. Một khi từ trong bao bì đổ ra, nhiệt độ từ đồng ruộng cao nên được loại bỏ. Vì vậy các chồi Măng tây phải được xếp loại và đóng gói ngay.
Làm mát bằng nước là phương pháp thông thường được sử dụng để sơ chế các chồi Măng tây trước tiên ngay sau thu hoạch để loại bỏ nhiệt độ đồng ruộng. Việc này bao gồm phun nước, làm ngập nước hoặc đặt những chồi Măng tây trong nước lạnh (3°C-5°C). Sau đó, đặt trực tiếp chồi Măng tây vào một căn phòng lạnh. Thời gian đặt trong phòng lạnh phụ thuộc vào nhiệt độ và tỷ lệ lưu lượng nước làm mát, nhiệt độ ban đầu của Măng tây và Măng tây được đặt rời hay đóng gói.
Việc làm mát bằng nước thường liên quan đến việc tuần hoàn nước và điều này có thể gây ra sự tích tụ của vi sinh vật. Ở các nước tiên tiến, trong các hệ thống sản xuất thông thường, chlorine hoạt tính với tỷ lệ 200-400 mg/lít thường được thêm vào bể chứa. Tuy nhiên, tiêu chuẩn hữu cơ không cho phép sử dụng chlorine trên 5ppm. Hydro peroxide (H2O2), một chất khử trùng hiệu quả, được cho phép trong các tiêu chuẩn hữu cơ. Nghiên cứu đã cho thấy rằng 5% H2O2 là một chất chống vi khuẩn có hiệu quả và hợp lý. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để xác định tính hữu ích của việc xử lý H2O2.
Nếu chồi Măng tây bẩn thì nên rửa sạch, tốt nhất bằng nước lạnh trước khi đóng gói. Chồi cần được cắt tỉa, xếp loại và bó theo yêu cầu của thị trường. Thông thường phải nhúng phần gốc chồi Măng tây ngay sau khi cắt vào dung dịch canxi hypochlorit để ngăn ngừa bệnh thối mềm do vi khuẩn, nhưng điều này không được phép trong các hệ thống sản xuất hữu cơ. Tuy nhiên, việc sử dụng hydrogen peroxide đang được nghiên cứu, xem xét như là một chất hữu cơ thay thế cho calcium hypochlorite.
Các bó chồi Măng tây nên được đóng gói trong các hộp carton lót bằng giấy sáp trong hoàn toàn. Nếu đã làm nguội trước, chồi phải được đóng gói càng nhanh càng tốt và hộp đựng được đặt trong phòng lạnh ở nhiệt độ 2oC.
Vận chuyển lạnh nên được sử dụng để vận chuyển Măng tây ra thị trường. Các nhà vận tải nên được biết rõ sản phẩm Măng tây khi vận chuyển là hữu cơ để tránh khả năng nhiễm bẩn.
Tiếp thị sản phẩm
Khả năng thị trường đối với người sản xuất Măng tây bao gồm bán tươi hoặc chế biến, bán nội địa hoặc xuất khẩu; sản phẩm Măng tây trắng hoặc xanh. Chất lượng và tính liên tục của việc cung cấp sản phẩm là chìa khóa thành công.
Măng tây tươi có nguy cơ bị thừa cung. Mặc dù thời gian thu hoạch có thể được kéo dài hoặc thao tác thông qua các chiến lược cắt khác nhau, cơ hội duy nhất để tránh thời gian cung cấp tối đa được áp dụng trong trường hợp khí hậu hoặc kiểu canh tác đặc biệt ở nơi sản xuất có thể điều khiển thu hoạch nghịch vụ.
Tiếp cận người bán sỉ để xác định khi nào thời gian cung cấp quá mức và cung cấp dư thừa xảy ra để phòng tránh và kiểm soát việc cung ứng sản phẩm phù hợp.
Link: http://iasvn.org/chuyen-muc/Mang-tay-huu-co-duoc-san-xuat-nhu-the-nao-10734.html