Trường Đại học Đông Á là một trong số ít các trường tại miền Trung - Tây Nguyên đào tạo ngành Nông Nghiệp. Ngành Nông nghiệp là ngành kỹ thuật dành cho các bạn vừa có tư duy công nghệ, vừa yêu thích hoạt động ngoài trời, vừa có khát vọng bảo vệ sức khỏe cho mình và mọi người, vừa phát triển kinh doanh trên lĩnh vực mình yêu thích.
Sinh viên tham quan mô hình trồng rau hữu cơ tại Afarm, Đà Nẵng. (Ảnh: Olwen Phan)
Đến với chương trình học tập của ngành Nông Nghiệp trường Đại học Đông Á, sinh viên được học và trau dồi các kiến thức và kỹ năng thuộc các nhóm nội dung sau:
1. Công nghệ giống cây trồng (Seed Technology): Người học am hiểu các phương pháp xử lý hạt giống nhằm gia tăng sức nảy mầm của hạt và sức khỏe cây con; lai tạo và tuyển chọn được giống cây trồng tốt phù hợp với điều kiện khí hậu - thổ nhưỡng của địa phương; tham gia vào quản lý quy trình sản xuất giống, bảo quản giống và ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống.
2. Khoa học động vật (Animal Science): Người học có kiến thức về nhân giống, sinh lý, dinh dưỡng và phát hiện, phòng trừ bệnh động vật để áp dụng vào quy trình chăn nuôi một số loài thú nông nghiệp.
3. Bảo vệ thực vật (Plant Protection): Người học am hiểu và nhận diện được một số loài côn trùng, vi sinh vật, động vật, cỏ dại gây hại và có biện pháp phòng trừ phù hợp và thân thiện môi trường.
4. Kỹ thuật canh tác cây trồng (Plant Cultivation Techniques): Người học am hiểu và triển khai canh tác theo các quy trình công nghệ khoa học hiệu quả ở một số loài cây trồng thuộc một trong các nhóm cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây hoa, cây dược liệu và nấm ứng dụng công nghệ tưới tiêu với công nghệ tự động hóa, vận hành nhà lưới, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ làm vườn theo chiều dọc, công nghệ phân bón...
5. Tổ chức trang trại thông minh trên nền tảng IoT (IoT Based Smart Farming): Người học am hiểu và thiết kế được trang trại với hệ thống giám sát cây trồng từ xa qua việc sử dụng kiến thức của kỹ thuật lập trình, cảm biến và điều khiển, nhật ký điện tử, lập trình trên di động,…
6. Khoa học thực phẩm (Food Science): Người học sử dụng được các kiến thức của vi sinh thực phẩm, hóa học, kỹ thuật, phụ gia và đảm bảo chất lượng vào quy trình chế biến một số loại nông sản sau thu hoạch. Có kiến thức về chế biến thực phẩm, an toàn thực phẩm và thương mại hóa sản phẩm.
Sinh viên thực hiện nghiên cứu chiết xuất pectin từ phế phụ phẩm nông nghiệp. (Ảnh: Olwen Phan)
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên sẽ có được kiến thức về nông nghiệp - thực phẩm, từ quy trình sản xuất đến quản lý và chế biến nông sản. Đồng thời, sinh viên cũng được trang bị các kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21 như phân tích, giải quyết vấn đề, quản lý và làm việc nhóm để có thể đáp ứng tốt các yêu cầu của ngành nông nghiệp hiện đại.