Đổi mới phương pháp giảng dạy - Giải pháp cấp thiết để nâng cao chất lượng đào tạo Đại học

Trong bối cảnh Kinh tế - Xã hội thay đổi mạnh mẽ, yêu cầu về nguồn nhân lực được đào tạo cũng thay đổi nhanh chóng, phương pháp giảng dạy truyền thống ngày càng bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Chính vì vậy, một trong những thách thức đặt ra cho hệ thống giáo dục nói chung và các trường đại học nói riêng là cần phải thay đổi phương pháp giảng dạy, sao cho có thể tạo ra những lớp người không chỉ đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động mà còn góp phần dẫn dắt xã hội.

Bài viết này muốn nói lên sự cần thiết phải thay đổi phương pháp giảng dạy truyền thống đang phổ biến hiện nay, đồng thời làm nổi bật những ưu điểm của phương pháp giảng dạy mới - tạm gọi là các phương pháp giảng dạy tích cực.

Phương pháp giảng dạy truyền thống và yêu cầu đổi mới

Phương pháp giảng dạy truyền thống là phương pháp mà trong đó chủ yếu là thầy nói - trò nghe. Ngay tận thập niên 1990, phương pháp này vẫn đang chi phối mạnh ở các trường cao đẳng và đại học, kể cả ở Hoa Kỳ(1). Sinh viên thường phải ngồi nghe liên tục trong một khoảng thời gian dài và học tập theo cách mà Freire gọi là “giáo dục kiểu ngân hàng” (2). Trong phương pháp này, giảng viên dạy và sinh viên được dạy; giảng viên biết mọi thứ và sinh viên không biết gì; giảng viên suy nghĩ và sinh viên buộc phải nghĩ theo cách của giảng viên; giảng viên nói và sinh viên lắng nghe; giảng viên quyết định (chọn lựa) và sinh viên phải làm theo. Nhìn chung, giảng viên là chủ thể còn sinh viên là khách thể của quá trình dạy – học. Giảng viên quan tâm trước hết đến việc truyền đạt kiến thức, hướng đến mục tiêu làm cho sinh viên hiểu và ghi nhớ kiến thức. Phương pháp này ít quan tâm đến việc phát triển tư duy, huấn luyện kỹ năng và rèn luyện thái độ cho người học. Nó dẫn đến tình trạng hầu hết sinh viên học tập thụ động, ra trường không đáp ứng tốt yêu cầu công việc.

Chickering và Gamson (1987) cho rằng để học tốt thì người học cần phải làm nhiều việc hơn là chỉ nghe một cách thụ động, cụ thể là phải đọc, viết, thảo luận, hoặc tham gia giải quyết vấn đề. Tương tự như vậy, khi nghiên cứu tất cả các cấp độ học, Freire thấy rằng sinh viên học và giữ lại kiến thức nhiều hơn khi họ đóng vai trò thực sự trong quá trình và có cơ hội để nói, chia sẻ, tương tác, phản hồi,… Theo John Goodland, việc học tập mang tính hàn lâm là quá trừu tượng đối với hầu hết sinh viên, nên muốn học tốt thì sinh viên cần được “thấy, sờ, và ngửi” cái mà họ đọc và viết. Còn Victor Weisskop thì cho rằng con người không thể học được bằng cách mang thông tin đẩy vào não họ, do đó chúng ta chỉ có thể dạy bằng cách duy nhất là tạo ra động lực hiểu biết.
Những thông tin trên đây một mặt cho thấy sự hạn chế của phương pháp giảng dạy truyền thống; mặt khác đặt ra nhu cầu bức xúc phải chuyển đổi sang phương pháp mới, lôi cuốn sinh viên gia nhiều hơn trong quá trình dạy-học. Những phương pháp mới đó, chúng ta tạm gọi là các phương pháp giảng dạy tích cực.

Bản chất của phương pháp giảng dạy tích cực

Thực ra, xét đến cùng thì tất cả các phương pháp giảng dạy đều có thể ẩn chứa những hoạt động mang tính tích cực của nó. Tuy nhiên, để trở thành một phương pháp mà yếu tố tích cực trở thành nét đặc trưng thì hầu hết các nhà nghiên cứu đều đề cập đến mức độ tham gia của sinh viên trong quá trình học tập (3). Phải thực sự xem người học là trung tâm, là chủ thể của hoạt động “học”. Muốn vậy cần phải:

  • Đa dạng hóa các phương pháp giảng dạy.
  • Giảm thời lượng thuyết giảng và tăng thời lượng hoạt động của người học.
  • Tạo sự tương tác cao giữa người dạy và người học, giữa người học với nhau.
  • Khuyến khích tư duy độc lập và sáng tạo, xóa bỏ lối áp đặt kiến thức theo kiểu giáo điều.
  • Hướng đến việc phát triển nhận thức bậc cao cho sinh viên, đó là: phân tích, tổng hợp, và đánh giá (4).
  • Chú trọng phát triển kỹ năng và xây dựng thái độ làm việc tích cực cho người học.

Ngược lại, về phía người học, cần phải thay đổi thái độ và phương pháp học tập, tích cực tham gia vào các hoạt động, chủ động tìm kiếm kiến thức, rèn luyện kỹ năng cũng như điều chỉnh thái độ trong quá trình làm việc với nhau.

Ưu điểm của phương pháp giảng dạy tích cực

(1) Phương pháp giảng dạy tích cực sẽ tạo điều kiện và lôi cuốn người học chủ động trong học tập.
Tính chủ động cao là tiền đề cho sự hình thành khả năng tư duy độc lập. Tư duy độc lập là mầm móng của sáng tạo.

(2) Phương pháp giảng dạy tích cực giúp nâng cao hiệu quả học tập nhờ vào việc giảm thời lượng thuyết giảng.

Thực vậy, công trình nghiên cứu của Russell, Hendricson và Herbert (1984) chỉ ra rằng: sinh viên học và lưu lại thông tin bài giảng tốt hơn khi mật độ thông tin cung cấp ở mức thấp (so với mức trung bình và mức cao trong thí nghiệm). Hàm ý ở đây là lượng thông tin mới mà sinh viên có thể học được trong một khoảng thời gian là có giới hạn, và chính giảng viên phá vỡ mục đích của mình khi vượt quá giới hạn đó.

Tiếp theo là công trình nghiên cứu nổi tiếng của Ruhl, Hughes, và Schloss (1987) đã đi đến một kết luận bất ngờ: nếu giảng viên nói ít thì sinh viên có thể học được nhiều hơn! Phát hiện này hoàn toàn trái ngược với niềm tin của hầu hết giảng viên khi cho rằng việc học của sinh viên sẽ tốt hơn nếu giảng viên nói nhiều và cung cấp nhiều thông tin hơn.

Nếu xét về mức độ tập trung chú ý của sinh viên, công trình nghiên cứu của Wilbert Mc Keachie cho thấy: giảng dạy theo phương pháp tích cực thì độ tập trung chú ý giữ ở mức cao (75%) suốt 60 phút. Trong khi đó, giảng dạy theo phương pháp thuyết giảng kiểu truyền thống thì độ tập trung chỉ đạt mức cao (75%) trong vòng 20 phút, sau đó sẽ giảm dần một cách nhanh chóng (biểu đồ 1) Như vậy, với lối giảng dạy truyền thống, chúng ta đang đi ngược lại mục tiêu của chính mình bởi lẽ giảng viên nói quá nhiều làm cho sinh viên học được quá ít. Trong những lớp học đông sinh viên, theo kết quả nghiên cứu của Lewis và Woodward (1984) thì giảng viên nói đến hơn 88% thời gian trên lớp, sự im lặng chiếm hơn 6%, và thời gian dành cho sinh viên nói chỉ chiếm hơn 5%. Điều này thuyết phục chúng ta cần phải nhanh chóng thực hiện phương pháp giảng dạy tích cực: giảng viên nói ít hơn và sinh viên làm nhiều hơn.

(3) Phương pháp giảng dạy tích cực sẽ giúp nâng cao hiệu quả tiếp thu kiến thức nhờ vào sự tương tác và đa dạng hóa các loại hình hoạt động.

Lưu giữ kiến thức là yếu tố quan trọng của việc học tập. Một số công trình nghiên cứu (5) về tỷ lệ lưu giữ kiến thức từ các phương pháp học tập đã thu được những kết quả hết sức ấn tượng về hiệu quả của phương pháp giảng dạy tích cực (xem các biểu đồ 2a, 2b, 2c).

Mặc dù kết quả đưa ra trong ba biểu đồ có khác biệt chút ít, nhưng ý tưởng chung mà ta có thể dễ dàng nhận thấy là:

Với lối học thụ động (nghe giảng, đọc, nhìn), sinh viên học được nhiều nhất là 50% lượng kiến thức. Trong đó, nếu chỉ có thuyết giảng suông thì mức độ tiếp thu kiến thức hết sức thấp. Điều này phần nào giải thích được vì sao phương pháp giảng dạy truyền thống không mang lại hiệu quả cao.
Với phương pháp giảng dạy tích cực, nhấn mạnh sự tham gia của sinh viên vào quá trình dưới nhiều hình thức, lôi cuốn sinh viên chủ động trong học tập, thì kết quả khác biệt hết sức rõ ràng: có thể đạt được mức độ tiếp thu kiến thức lên đến 90%.

(4) Phương pháp giảng dạy tích cực giúp xây dựng thái độ và phát triển tốt kỹ năng, nhất là kỹ năng mềm.

Càng ngày người ta càng nhận ra tầm quan trọng của thái độ và kỹ năng đối với công việc cũng như đối với sự thành công của mỗi cá nhân, nhất là trong xu thế phát triển mới của thế kỷ 21. Theo nhận định của Đại học Michigan, đa số sinh viên có khuynh hướng nghĩ rằng một mức điểm trung bình cao và một mảnh bằng trong tay sẽ bảo đảm sự thành công trong nghề nghiệp, nhưng thực tế thì bất cứ ai trong thế giới công việc đều biết rằng chỉ có kỹ năng và tính cách mới bảo đảm sự thành công. (6)

Về kỹ năng, thuật ngữ kỹ năng mềm (soft skills) (7) đang được quan tâm rộng rãi bởi lẽ nó có ảnh hưởng quyết định đến sự thành công nhưng lại không được chú ý trong các chương trình đào tạo. Trường Đại học sự phạm Harvard khẳng định tầm quan trọng của kỹ năng mềm khi họ cho rằng: “Bằng việc chỉ đẩy mạnh kỹ năng cứng (hard skills), nhiều trường học ngày nay tiếp tục giáo dục trẻ em cho một nền kinh tế không có lối thoát trong dài hạn” (8).

Trong khi đó, phương pháp giảng dạy truyền thống chỉ cung cấp được kỹ năng cứng, hoàn toàn không quan tâm đến kỹ năng mềm. Ngược lại, trong phương pháp giảng dạy tích cực, nhờ vào các hoạt động mà sinh viên được tham gia, có thể phát triển rất tốt thái độ cũng như kỹ năng mềm. Biểu đồ 3 là kết quả khảo sát của Nacy Tobler, cho thấy hiệu quả của các chương trình đào tạo mang tính tương tác cao (phương pháp giảng dạy tích cực): cả kiến thức, tư duy và thái độ trong những chương trình tương tác đều có sự thay đổi mạnh mẽ so với chương trình không tương tác, nhất là về kỹ năng.

Rõ ràng các phương pháp giảng dạy tích cực mang lại hiệu quả học tập cao hơn rất nhiều so với phương pháp thuyết giảng truyền thống. Giảng viên nói ít lại, dành nhiều thời gian cho việc lôi cuốn sinh viên vào các hoạt động đa dạng trong lớp cũng như ngoài lớp học. Về phía sinh viên, chỉ trên cơ sở tham gia, trải nghiệm, họ mới có thể thực sự thấu hiểu và tạo dựng nhận thức cho chính mình. Có lẽ vì vậy mà Howard Hendricks đã khẳng định: “tối đa hóa việc học tập luôn luôn là kết quả của việc tối đa hóa sự lôi cuốn” (9).

Hy vọng những thông tin trên đây có thể góp phần thuyết phục các trường đại học kiên quyết hơn nữa trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy – một trong những yếu tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo của Việt Nam.

(1) Charles C. Bonwell and James A. Eison – 1991
(2) Trong phương pháp “giáo dục kiểu ngân hàng”, thay vì truyền thông thì giảng viên lại đưa ra những thông cáo và tạo thành những khoản gửi (như một tài khoản séc tại ngân hàng) để rồi sinh viên nhẫn nại tiếp nhận, ghi nhớ, và lập lại – Preire – 1970
(3) Fern et al 1993; McKinney – 2007; Brody – 2009; Charles C. Bonwell and James A. Eison-199i; Bonwell, C., and Eison, J., – 1991
(4) Theo Bloom, có 6 mức độ nhận thức từ thấp đến cao: biết (knowledge), hiểu (comprehension), áp dụng (application), phân tích (analysis), tổng hợp (synthesis), đánh giá (evaluation). Trong đó, phân tích, tổng hợp và đánh giá được xem là nhận thức bậc cao.
(5) Foundationcoalition; Edgar Dale, Daniel Sousa, Stice và một số người khác
(6) USA Today 10/6/2004
(7) Theo Jessica Holbrook – 2009, kỹ năng mềm (soft skills) là thuật ngữ dùng để chỉ tính cách và các kỹ năng của con người mà không dễ đo lường hay lượng hóa được. Các nhà nghiên cứu đã liệt kê rất nhiều kỹ năng dạng này, chẳng hạn như: làm việc nhóm, truyền thông (nói và viết), giao tiếp cá nhân, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, và nhiều kỹ năng khác nữa.
(8) Teaching the New Basic Skills from Harvard’s Graduate School of Education
(9) The 7 laws of the teacher

TS. Dương Tấn Diệp
(Tạp chí Phát triển & Hội nhập – số 7 – Tháng 10/2010)