Đại học Đông Á nói chung, khoa Công nghệ thực phẩm - sinh học nói riêng đang tập hợp trí tuệ từ nhiều nguồn lực để xây dựng Chương trình đào tạo (CTĐT) theo định hướng thực hành. Định hướng mà nhà trường đang hướng đến là sự cải tiến từ các chương trình thực tiễn (3**) trước đây để hoàn thiện theo hướng thực hành (3***) nhằm áp dụng bắt đầu cho khóa học 2016-2020.
Xây dựng CTĐT theo định hướng thực hành với mục tiêu “HỌC ĐỂ LÀM” nên việc tiếp cận sâu, lĩnh hội được ý kiến trực tiếp của Doanh nghiệp ở mọi mức công việc khác nhau từ các cơ quan quản lý Khoa học - công nghệ đến các Doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, đặc biệt là đội ngũ cựu sinh viên đang hành nghề,… là cả quy trình cần được vận hành một cách đồng bộ nhưng chi tiết, mang đậm tâm huyết với đào tạo.
Tất cả không chỉ nhằm có được một CTĐT theo hướng thực hành chuẩn, đổi mới, sáng tạo và phù hợp với công việc mà sinh viên sẽ làm sau khi ra trường mà còn là thước đo về sự chuẩn mực của một nhà trường luôn hướng đến cộng đồng mà phục vụ.
SV khoa CNTP-SH kiến tập tại Công ty TNHH Coca Cola Việt Nam
CTĐT của ngành Giáo dục & Đào tạo thay đổi nhiều qua từng thời kỳ, tính chuẩn mực có lúc chưa thực “xắc ra miếng”, sự đầu tư cho “hành” chưa cao,… Do đó, phần đông đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy trong các trường đại học của cả nước “giỏi lý thuyết nhưng còn hạn chế về trải nghiệm”. Vì vậy, CTĐT theo hướng thực hành mà Đại học Đông Á đang hướng tới quả là một cuộc “đại cách mạng” liên quan đến nhiều vấn đề.
Để thực sự có sự thay đổi lớn về CTĐT như mong muốn, không còn con đường khả thi nào khác là đẩy mạnh quan hệ mật thiết với Doanh nghiệp, lấy ý kiến đóng góp của Doanh nghiệp làm “la bàn” cho việc xây dựng định hướng thực hành.
Bên cạnh việc khơi bút xây dựng định hướng là vấn đề thực thi chương trình, “xây” đã khó, “hành” lại càng nan giải hơn. Bởi không chỉ đơn thuần sử dụng người có năng lực nghề giỏi tham gia vào đào tạo mà còn phải được sử dụng các phòng thực hành tại Doanh nghiệp vốn hết sức phù hợp với chuyên ngành sâu để cùng đào tạo tay nghề cho sinh viên. Đây là mấu chốt của khâu thực hành cần được bàn thảo kỹ giữa Nhà trường và Doanh nghiệp trên cơ sở phù hợp với lợi ích song phương.
Xác định được vị trí và tầm quan trọng của CTĐT định hướng thực hành, thiết nghĩ rất cần thu thập được sớm ý kiến của Doanh nghiệp để xây dựng cây nghề nghiệp, từ đó khẳng định chuẩn năng lực của ngành đào tạo tiến đến hoàn thiện khung CTĐT phù hợp với mục tiêu về hướng nghiệp.
SV khoa CNTP-SH kiến tập tại Công ty TNHH thực phẩm Minh Anh
Khoa Công nghệ thực phẩm - sinh học ĐH Đông Á đã dày công với tiêu chí này. Đến nay, khoa đã nhận được 30 ý kiến trả lời về những mong muốn hợp tác trên cơ sở vì một khung CTĐT hướng nghiệp sâu. Khoa thực hiện đẩy mạnh giao lưu với nhiều cơ quan quản lý Trung ương, địa phương, với các Doanh nghiệp có quy mô tổ chức khác nhau để hội tụ đầy đủ những điểm cần nắm bắt nhằm tạo ra hướng xây dựng CTĐT rất riêng của ngành Công nghệ thực phẩm - sinh học. Chương trình ấy vừa mang tính khoa học vừa có giá trị thực hành cao để thực hiện đúng mục tiêu “HỌC ĐỂ LÀM”.