Hiện nay, nhu cầu nhân lực trình độ cao cho ngành này vẫn còn là một bài toán chung cho các công ty, nhà máy, trường học, viện nghiên cứu và các cơ quan quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực thực phẩm. Vì vậy, ngành công nghệ thực phẩm hứa hẹn nhiều cơ hội cho những ai có đam mê.
Công nghệ thực phẩm là gì?
Công nghệ thực phẩm là 1 trong 5 ngành thuộc khối ngành công nghệ chuyên về lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản; kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm trong quá trình chế biến thực phẩm; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vận hành dây chuyền sản xuất – bảo quản, tạo nguyên liệu mới trong lĩnh vực thực phẩm hoặc dược phẩm, hóa học,…
Công nghệ thực phẩm học gì?
Sinh viên sẽ được đào tạo khối kiến thức đại cương, khối kiến thức ngành công nghệ thực phẩm và khối kiến thức chuyên ngành Công nghệ thực phẩm. Trong đó, khối kiến thức chuyên ngành Công nghệ thực phẩm bao gồm hóa thực phẩm; cơ sở thiết kế nhà máy, nguyên liệu và phụ gia thực phẩm; máy thiết bị thực phẩm; công nghệ chế biến nhiệt lạnh; công nghệ bia rượu; dinh dưỡng, độc học và an toàn thực phẩm; bao bì thực phẩm; quản lý chất lượng thực phẩm; vi sinh thực phẩm và phân tích vi sinh; enzym trong công nghệ thực phẩm;...sinh viên sẽ vận dụng những kiến thức và kỹ năng học được để thực hiện đồ án tốt nghiệp tại phòng thí nghiệm hoặc nhà máy, cơ sở sản xuất, quản lý nhà nước về thực phẩm.
Ngành học giàu tiềm năng
Với dân số khoảng 90 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 7,5%/năm, nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam đối với thực phẩm chế biến ngày càng lớn và phong phú, đặc biệt là nhu cầu về các sản phẩm sạch được chế biến an toàn và tinh tế. Ngoài những ngành kinh tế kỹ thuật chính (rượu - bia - nước giải khát; chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa; dầu thực vật; chế biến bột và tinh bột..),. lĩnh vực thực phẩm của nước ta đang ngày càng mở rộng để phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu.
Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu sản phẩm nông sản, nhưng các dòng sản phẩm chế biến sẵn vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Nguyên nhân chính là do chênh lệch về trình độ công nghệ, trang thiết bị và nhân lực. Nước ta đang thực sự thiếu những người lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề vững vàng trong lĩnh vực thực phẩm. Đó là khó khăn của nền kinh tế, nhưng cũng chính là cơ hội để các kỹ sư công nghệ thực phẩm chớp lấy và thành công. Vì vậy, học ngành Công nghệ thực phẩm cũng đồng nghĩa với việc bạn đã chọn một mảnh đất màu mỡ để khai thác và thể hiện bản thân.
Ngành đón đầu xu thế hội nhập
Đạt trên 20% PIB (tổng sản lượng nội địa), xếp thứ hai trong ba nhóm ngành dẫn đầu về nhu cầu nhân lực giai đoạn 2015-2020, công nghệ thực phẩm đang khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế Việt Nam. Hơn nữa, cùng với xu hướng hội nhập, ngành này đã mở rộng và đa dạng hóa quan hệ hợp tác với các nước để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp thực phẩm liên tục được xây dựng, đầu tư để đa dạng hóa chủng loại và chất lượng sản phẩm. Do vậy, thị trường lao động luôn có những vị trí tuyển dụng thích hợp để chào mời và làm hài lòng các kỹ sư công nghệ thực phẩm.
Cơ hội nghề nghiệp đa dạng
Sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm sau khi tốt nghiệp có thể làm việc chuyên môn tại các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm (Chế biến thịt, sữa, cá, cà phê, chè, đồ hộp...), các viện nghiên cứu, công ty liên quan đến lương thực thực phẩm, làm cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực chế biến, bảo quản và nâng cao chất lượng thực phẩm phục vụ trong nước và xuất khẩu hoặc có thể trở thành chuyên gia tư vấn dinh dưỡng cộng đồng, dinh dưỡng lâm sàng tiết chế và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trung tâm dinh dưỡng, trung tâm y tế và trung tâm y tế dự phòng…
Thu Thủy