Cẩm nang xin việc ngành thực phẩm

Thực phẩm là một khía cạnh rất phong phú và không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của con người. Tuy nhiên đã bao giờ bạn thắc mắc quy trình làm ra những chiếc kẹo mà chúng ta hay ăn như thế nào? Hàm lượng các chất dinh dưỡng trong sữa bao nhiêu thì đảm bảo? Bảo quản đồ ăn như thế nào để giảm thiểu sự mất chất? Tất cả các câu hỏi trên đều sẽ được sáng tỏ khi theo học ngành công nghệ thực phẩm - ngành học đang rất có triển vọng hiện nay. Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp tất cả liên quan đến công việc sau khi ra trường và bí quyết xin việc ngành công nghệ thực phẩm.

TỔNG QUAN VỀ NGÀNH CÔNG NGHỆ THỰC PHẨM

1. Công nghệ thực phẩm là gì?

Công nghệ thực phẩm, hiểu một cách đơn giản, là ngành học chuyên về lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, kiểm tra, đánh giá chất lượng trong quá trình chế biến thực phẩm; đồng thời nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, vận hành dây chuyền sản xuất - bảo quản, tạo ra nguyên liệu mới trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm hay hóa học… Ứng dụng của ngành này vô cùng đa dạng và gần gũi với đời sống hàng ngày của chúng ta.

2. Cơ hội xin việc ngành công nghệ thực phẩm hiện nay

Công nghệ thực phẩm ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày vì mức độ phức tạp trong nhu cầu của con người đang gia tăng mạnh. Cụ thể tại Việt Nam, với dân số hơn 90 triệu người và tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm là 7,5%, nhu cầu tiêu dùng đối với thực phẩm chế biến ngày càng lớn và phong phú cả về mẫu mã lẫn chất lượng, đặc biệt là sản phẩm sạch. 

Ngành công nghệ thực phẩm

Công nghệ thực phẩm là gì?

Bên cạnh những ngành chính như rượu, bia, nước giải khát, sữa và các sản phẩm từ sữa, tinh bột… thì nhiều lĩnh vực khác về công nghệ thực phẩm cũng đang được mở rộng để đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu, đòi hỏi số lượng nhân lực không nhỏ. Ngành công nghệ thực phẩm xếp thứ 2 trong ba nhóm ngành dẫn đầu về nhu cầu nhân lực giai đoạn 2015 - 2020, hứa hẹn trở thành ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, mặc dù Việt Nam đang là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu sản phẩm nông sản, các dòng sản phẩm chế biến sẵn vẫn chưa được chú trọng khai thác hiệu quả. Nguyên nhân chính xuất phát từ sự chênh lệch về trình độ công nghệ, trang thiết bị và trình độ nhân lực. Vì nước ta đang thực sự thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn và tay nghề vững vàng trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, do đó cơ hội phát triển nghề nghiệp và thể hiện bản thân sẽ rất rộng mở nếu bạn theo học ngành này.

VẤN ĐỀ ĐÀO TẠO NGÀNH CÔNG NGHỆ THỰC PHẨM

1. Ngành công nghệ thực phẩm học gì?

Ngành này đào tạo cho sinh viên các kiến thức nền tảng lẫn chuyên sâu về hóa học, sinh học, nguyên liệu chế biến, phương pháp chế biến, quy trình phân tích, đánh giá chất lượng thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm… nhằm tối ưu hóa dinh dưỡng trong nhu cầu ăn uống của cộng đồng. Bên cạnh đó, sinh viên còn được học chuyên sâu về công nghệ chế biến thịt cá, đông lạnh thủy sản, công nghệ bảo quản, chế biến lương thực, công nghệ chế biến đường, sữa, đồ uống, chất béo thực phẩm… 

Vì các tính chất đặc thù của ngành, sinh viên sẽ thường xuyên được thực hành trong phòng thí nghiệm, tập làm quen với các công việc phân tích thực tế, đánh giá mức độ vệ sinh an toàn và tiến hành các quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm.

 Ngành công nghệ thực phẩm học gì?

Ngành công nghệ thực phẩm học gì?

2. Một số môn chuyên ngành tiêu biểu

  • Dinh dưỡng 
  • Hóa sinh học thực phẩm 
  • Vi sinh học thực phẩm 
  • Quản lý chất lượng 
  • An toàn thực phẩm 
  • Phân tích thực phẩm 
  • Công nghệ chế biến 
  • Công nghệ sinh học thực phẩm 
  • Phát triển sản phẩm... 

3. Các trường đào tạo ngành công nghệ thực phẩm uy tín

Nếu yêu thích và có mong muốn tìm hiểu chuyên sâu về ngành học độc đáo này, bạn có thể tham khảo một số trường đại học có đào tạo ngành công nghệ thực phẩm sau: 

  • Đại học Đông Á (Đà Nẵng)
  • Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH) 
  • Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp 
  • Học viện Nông nghiệp Việt Nam 
  • Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội 
  • Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh 
  • Đại học Nông lâm Bắc Giang 
  • Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh 
  • Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh 
  • Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng 
  • Đại học Nông lâm - Đại học Huế 
  • Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên 
  • Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh 
  • Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh 
  • Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh 

 sinh viên ngành công nghệ thực phẩm

Sinh viên ngành công nghệ thực phẩm

Khối thi đại học vào ngành công nghệ thực phẩm tại các trường trên chủ yếu là A, A1, B, C1, C8, D1, D7, D8. Bằng cấp chủ yếu sau khi tốt nghiệp là Kỹ sư công nghệ thực phẩm (có thể khác nhau tùy từng trường).

CÔNG VIỆC NGÀNH CÔNG NGHỆ THỰC PHẨM

1. Học ngành công nghệ thực phẩm ra làm gì?

Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm có thể làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị liên quan đến chế biến lương thực, thực phẩm (thịt, cá, sữa, cà phê, đồ hộp, chè…), vệ sinh an toàn thực phẩm, mua bán xuất nhập khẩu; phòng quản lý Vệ sinh An toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương… 

Ngoài ra, sinh viên còn có thể trở thành chuyên gia tư vấn dinh dưỡng, dinh dưỡng lâm sàng tiết chế, làm việc tại các bộ phận liên quan đến việc bảo đảm chất lượng, kiểm nghiệm… của các trung tâm dinh dưỡng, trung tâm y tế và y tế dự phòng… 

Cụ thể một số công việc sau: 

  • Nhân viên kiểm định chất lượng (QA) 
  • Nhân viên kiểm soát chất lượng nguyên liệu (QC) 
  • Chuyên viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) 
  • Kỹ sư công nghệ thực phẩm 
  • Kỹ sư sản xuất (Production engineer) 
  • Nhân viên bếp 
  • Chuyên gia dinh dưỡng (Nutritionist) 
  • Kỹ thuật viên sản xuất 
  • Nhân viên phòng thí nghiệm (Laboratory staff) 
  • Nhân viên bộ phận thu mua 
  • Nhân viên vận hành máy 
  • Giám sát viên sản xuất (Production supervisor) 
  • Trình dược viên… 

công việc ngành công nghệ thực phẩm

Các công việc của ngành công nghệ thực phẩm

2. Tố chất, kỹ năng phù hợp với ngành

  • Tư duy sáng tạo, khả năng phân tích 
  • Đam mê công nghệ và nghiên cứu 
  • Quan tâm đến lĩnh vực thực phẩm, dịch vụ ăn uống 
  • Làm việc cẩn thận, tỉ mỉ, trách nhiệm cao 
  • Nhạy bén khi nắm bắt tâm lý, sở thích, nhu cầu khách hàng… 

3. Mức lương trung bình

Sinh viên mới ra trường thường làm tại các vị trí thấp và cơ bản nên mức lương khởi điểm rơi vào khoảng 5.000.000 - 6.000.000 VND/tháng. 

Sau khi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, tuổi nghề cũng như chuyên môn vượt trội, cơ hội thăng tiến trong ngành là rất cao. Mức lương của các chuyên viên, kỹ sư, quản lý, giám sát bộ phận có thể lên đến 2,000 - 3,000 USD/tháng.

BÍ QUYẾT XIN VIỆC NGÀNH CÔNG NGHỆ THỰC PHẨM

1. Các doanh nghiệp lớn khi xin việc ngành công nghệ thực phẩm

Có thể kể đến một số tập đoàn, công ty lớn trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống của Việt Nam đã quen thuộc với chúng ta như Tân Hiệp Phát, Hữu Nghị Food, Kinh Đô, Sài Gòn Food, T&T Group, Trung Nguyên, Vinamilk, TH True Milk, Vina Acecook, Vinacafe, Masan, Vissan, Cholimex… 

Cơ hội ứng tuyển ngành công nghệ thực phẩm tại các công ty liên doanh nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Việt Nam cũng rất rộng mở và đang trở thành xu hướng của nhân lực trẻ. Ví dụ như Pepsico, Coca-cola, Heineken, Nestlé, Sabeco, Abbott, Zagro, Carlberg, Ajinomoto, Kewpie, Cargill… 

Các công ty này luôn tìm kiếm nhân sự giỏi cho rất nhiều vị trí để bạn thử sức. Ngoài ra, các bạn trẻ hoàn toàn có thể bắt đầu sự nghiệp tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tích lũy kinh nghiệm thực tế cũng như chuyên môn, tạo bước đệm vững chắc và cơ hội thăng tiến cao hơn khi sang các tập đoàn lớn.

Bí quyết xin việc ngành công nghệ thực phẩm

Bí quyết xin việc ngành công nghệ thực phẩm

2. Tìm kiếm công việc ngành công nghệ thực phẩm

Nếu các bạn đã xác định và mong muốn làm việc tại một doanh nghiệp cụ thể, hãy theo dõi website và fanpage facebook của tổ chức đó thường xuyên để không bỏ lỡ tin tuyển dụng nào. 

Tuy nhiên cách làm này tốn khá nhiều thời gian nếu không gặp đúng thời điểm tuyển dụng. Vì vậy để nhanh chóng và hiệu quả hơn, bạn có thể tìm việc làm ngành công nghệ thực phẩm tại các trang đăng tin tuyển dụng chuyên nghiệp như timviecnhanh, vieclam24h, vietnamworks, topcv.vn, careerbuilder… hoặc các cộng đồng trên facebook như Công nghệ thực phẩm, Việc làm ngành công nghệ thực phẩm - Hóa chất - Sinh học…

3. CV xin việc ngành công nghệ thực phẩm

Sau khi tìm được công việc ưng ý, đừng chần chừ mà hãy nhanh tay chuẩn bị bộ hồ sơ xin việc để tránh lỡ thời gian tuyển dụng. Có thể nói một bản CV xin việc ấn tượng là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công khi ứng tuyển ngành công nghệ thực phẩm nói riêng cũng như các ngành nghề khác nói chung. 

Hãy thể hiện bằng cấp, kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng cá nhân đặc biệt của bạn trong CV một cách hệ thống, đầy đủ nhưng vẫn phải súc tích để giúp bạn nổi bật trong vô số các bộ hồ sơ xin việc khác. Ghi nhớ rằng, công nghệ thực phẩm là ngành có nhiều yêu cầu đặc thù nên việc nhấn mạnh vào chuyên môn là quan trọng nhất, rồi đến kinh nghiệm và kỹ năng. 

Cách tốt nhất để viết một bản CV hay chính là hiểu tâm lý nhà tuyển dụng và tính chất ngành nghề của mình. Hãy thử đặt vị trí bạn là nhà tuyển dụng, bạn sẽ cần gì khi tuyển nhân viên làm việc cho mình và đem lại lợi ích cao nhất cho công ty? 

Chúc bạn thành công!

Nguồn: https://www.topcv.vn/xin-viec-nganh-cong-nghe-thuc-pham