Các Module Trong Chương Trình Kỹ Sư Nông Nghiệp Tại ĐH Đông Á

Việt Nam là một đất nước nông nghiệp lâu đời. Đóng góp khoảng 17% GDP và sử dụng 40% lực lượng lao động cả nước, nông nghiệp thực sự đóng vai trò ý nghĩa trong nền kinh tế quốc dân. Nhằm gia tăng lợi nhuận sản xuất, nông nghiệp hiện đã và đang áp dụng công nghiệp hoá, đòi hỏi đội ngũ kỹ sư chất lượng cao.

Vai trò của kỹ sư nông nghiệp rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu suất sản xuất nông nghiệp, tối ưu hóa nguồn tài nguyên và đảm bảo an toàn, chất lượng trong quá trình sản xuất. Vậy ở chương trình đào tạo ngành Nông nghiệp, sinh viên sẽ học và thực hành những Module nào?

1. Module 1: Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

- Công nghệ giống cây trồng: Sinh viên áp dụng kiến thức đã học để duy trì sức sống và chất lượng hạt giống; Vận dụng phương pháp lai tạo và ứng dụng CNSH để nghiên cứu giống cây trồng mới với tính trạng quan tâm; Sản xuất một số giống cây trồng phổ biến trong nhóm cây lương thực, cây rau, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa và cây dược liệu; Phục hồi các giống cây trồng cũ đã có biểu hiện thoái hoá.

- Phòng trừ sâu bệnh hại: Sinh viên nhận dạng được và dự tính, dự báo những dịch bệnh gây hại cho cây trồng; Nghiên cứu phương pháp phòng trừ sâu bệnh hại phù hợp với đối tượng gây hại đồng thời bảo vệ môi trường; Nhận dạng và sử dụng những sinh vật có ích trên đồng ruộng; Sử dụng và xử lý  thuốc bảo vệ thực vật đúng cách.

- Kỹ thuật trồng trọt: Sinh viên triển khai và giám sát quy trình trồng trọt hiệu quả ở một số loài cây trồng thuộc một trong các nhóm cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây hoa, cây dược liệu và nấm; Phân tích đất, khí hậu và năng suất để lập kế hoạch trồng trọt một loài cây theo hướng nông nghiệp hữu cơ; Quản lý rủi ro đồng ruộng và nhanh nhạy đề xuất phương án giải quyết phù hợp; Cải tiến phương pháp trồng trọt hiện tại và phát triển phương pháp trồng trọt mới.

2. Module 2: Chăn nuôi và Thú y

Sinh viên thực hiện quy trình chăm sóc nuôi dưỡng một loài vật nuôi áp dụng kiến thức về nhân giống, sinh lý, dinh dưỡng và phát hiện, phòng trừ bệnh động vật; Sản xuất thức ăn vật nuôi đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho vật nuôi; Vệ sinh thú y cho vật nuôi

3. Module 3: Xây dựng và quản lý trang trại thông minh

Sinh viên áp dụng kiến thức về thiết bị IoT và lập trình để thiết kế hệ thống tưới, che sáng hoặc tự động; Tổ chức được trang trại với hệ thống giám sát cây trồng từ xa; Lên kế hoạch quản lý tài nguyên hiệu quả.

4. Module 4: Công nghệ sau thu hoạch và thương mại thực phẩm

Sinh viên thực hiện được quy trình bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch đáp ứng các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm và tiết kiệm; Am hiểu kiến thức về tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng nông sản phẩm như ISSO, HACCP, Global GAP, GI...; Xác định được hành vi người tiêu dùng và quảng bá sản phẩm tới đúng đối tượng người tiêu dùng.
- Công nghệ sau thu hoạch

- Kiểm nghiệm thực phẩm

- Kinh doanh nông sản phẩm

Toàn chương trình, sinh viên tham gia học thực hành và thực tập tại doanh nghiệp khoảng 60-70% thời gian. Khoa và Trường đã ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp để tăng cơ hội cọ sát với thực tế cho sinh viên. Sinh viên được chọn học 1 trong 4 ngoại ngữ Anh/Nhật/Trung/Hàn. Đặc biệt, sinh viên ngành nông nghiệp còn có thể chọn thực tập ở Nhật Bản ngay từ năm thứ 3.