Phân Bón Lá Hữu Cơ từ Chitosan: Bước Đột Phá Trong Nông Nghiệp Bền Vững

Trong nỗ lực tiến bộ hóa ngành nông nghiệp và tối ưu hóa sản xuất cây trồng, sự ra đời của phân bón lá hữu cơ từ chitosan đã đánh dấu một bước tiến quan trọng. Không chỉ giúp cải thiện chất lượng và năng suất của cây trồng mà còn đảm bảo an toàn cho môi trường, phân bón này đang dần trở thành lựa chọn hàng đầu của những nhà nông đang tìm kiếm cách tiếp cận bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Và chủ đề "Công nghệ sản xuất chế phẩm AGOIN – Dung dịch bón lá hữu cơ" được anh Lê Việt Trung - Giám đốc Công ty TED Technology chia sẻ vào ngày 17/1/2024 cho sinh viên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và ngành Công nghệ Thực phẩm và các thầy cô trong khoa Thực phẩm đã mô ta được rõ công nghệ sản xuất phân bón lá từ chitosan. 

Hình 1 - Sinh viên tặng hoa cho diễn giả và đặt câu hỏi

Trong phần trình bày của mình anh đã nhấn mạnh đến sự khác biệt về Chitosan và Oligochitosan. Một trong những điểm đặc biệt của phân bón lá hữu cơ từ chitosan chính là nguồn gốc từ các polymer sinh học này. Chitosan, một polisacaride được chiết xuất từ vỏ tôm, đã được nghiên cứu và chứng minh có khả năng kích thích sự phát triển của cây trồng, tăng cường hấp thụ dinh dưỡng và đề kháng hơn với các bệnh hại. Trong khi đó, oligo chitosan, một dạng phân đoạn của chitosan, thường có kích thước phân tử nhỏ hơn, dễ hấp thụ hơn và có hiệu quả nhanh hơn trong việc thúc đẩy sự sinh trưởng của cây trồng.

Hình 2 - KS. Lê Việt Trung giới thiệu về áp dụng công nghệ mới trong sản xuất OligoChitosan

Ngoài ra, do chitosan có nguồn gốc tự nhiên nên Chitosan không chỉ là một phân bón hiệu quả mà còn là một tài nguyên sinh học tái tạo, giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Việc sử dụng chitosan trong nông nghiệp không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải từ ngành công nghiệp thủy sản mà còn tạo ra một chu trình tái chế tự nhiên, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Một trong những ưu điểm lớn của phân bón lá hữu cơ từ chitosan là tác động tích cực đến môi trường. Do nguồn gốc tự nhiên và không chứa hóa chất độc hại, chitosan không gây ô nhiễm cho đất đai và nguồn nước. Hơn nữa, việc kích thích sự phát triển của hệ thống rễ cây trồng giúp cải thiện cấu trúc đất và giảm thiểu sự mài mòn đất đai.

Qua bài nói chuyện của KS. Lê Việt Trung, sinh viên khoa Thực phẩm đã học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng và có nhiều góc nhìn mới trong định hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai. 

- Triệu Tuấn Anh -