(Đại học Đông Á) - Ngày 19/12, Trường Đại học Đông Á cùng với Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực Thực phẩm Việt Nam (VAFoST) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Thực phẩm Thế giới (IUFoST) đồng tổ chức Hội thảo quốc tế “Công nghệ xanh cho chuỗi thực phẩm sạch”.
GS. Daryl Bert Lund - Đại học Wisconsin-Madison - viện sĩ Hàn lâm IUFoST trình bày tại Hội thảo
Đây cũng là một trong chuỗi các hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị Thực phẩm các nước ASEAN lần thứ 15 (AFC 2017) được tổ chức tại Việt Nam.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh thực phẩm không an toàn từ khâu nguyên liệu đến quy trình chế biến, bảo quản và tiêu thụ thực sự đang trở thành vấn nạn nhức nhối đối với ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm trên toàn thế giới. Thực tế này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng mà còn dẫn đến nguy cơ mất cân bằng trong cơ cấu phát triển nông công nghiệp, gây kém hiệu quả cả về giá trị kinh tế và ý nghĩa nhân văn.
Trong đó, Việt Nam đang là quốc gia nằm trong vùng nóng về VSATTP với số ca ngộ độc thực phẩm ngày càng gia tăng. Theo thống kê từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mỗi năm Việt Nam có khoảng 250-500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000-10.000 nạn nhân và 100-200 ca tử vong. Nguyên nhân được xác định là xuất phát từ thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật (33%), thực phẩm bị ô nhiễm hóa chất (27%), thực phẩm vốn hàm chứa các chất độc tự nhiên (37,5%), thức ăn bị nhiễm thuốc trừ sâu (phun hàm lượng cao, không cách ly với ngày thu hoạch) hay các chất phụ gia (hàn the, màu công nghiệp, đường hóa học) với dư lượng độc tố cao,…
Thống kê của Bộ Y tế cũng chỉ ra rằng, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 ca mới mắc và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư, trong đó có nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm “bẩn” (thực phẩm có sử dụng chất kích thích, chất tăng trọng, thuốc bảo vệ thực vật quá dư lượng). Thêm vào đó, gần đây, một số vấn đề liên quan đến quản lý VSATTP, sự khác biệt giữa các kết quả phân tích kiểm tra chất lượng sản phẩm gây không ít khó khăn cho người sản xuất, tạo lo lắng cho người tiêu dùng.
Hội thảo có sự tham gia báo cáo, tham luận, thảo luận của các chuyên gia quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc (GS. Daryl Bert Lund - Đại học Wisconsin-Madison - viện sĩ Hàn lâm IUFoST, GS. Gerald G. Moy - Tổ chức Y tế thế giới (WHO), GS. Park Kwan Hwa - Viện sĩ Hàn lâm IUFoST - Nguyên chủ tịch Hội Khoa học Thực phẩm Hàn Quốc); cùng nhiều học giả từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các khoa chuyên ngành về Công nghệ thực phẩm ở Việt Nam.
GS.TSKH. Lưu Duẩn - Chủ tịch Liên đoàn KH và CN Thực phẩm các nước ASEAN (FIFSTA) nhiệm kì 2015-2017 phát biểu khai mạc Hội thảo
Các chuyên đề khoa học được thảo luận tại Hội thảo gồm: Cơ sở khoa học của nguyên tắc an toàn thực phẩm; Quản lý rủi ro trong truyền thông về thực phẩm; Nông sản thực phẩm an toàn; Khả năng phát hiện độc chất trong thực phẩm. Trong đó các diễn giả tập trung các nội dung: phân biệt nông sản và thực phẩm an toàn và nhận biết các độc tố, độc chất không an toàn thực phẩm (thuốc ép chín, hóa chất ngâm, tẩm thực phẩm, chất phụ gia,… ) bằng cảm quan, các công nghệ mới trong ủ chín trái cây bằng phương pháp nhân tạo (xử lý nhiệt, yếm khí, dùng oxy và ủ bằng khí ethylene,…) bên cạnh phát huy cách ủ chín thực phẩm theo phương pháp dân gian (ủ lá xoan, đất đèn, hương thắp, rượu…), đưa ra các công cụ quản lý và ngăn ngừa rủi ro trong truyền thông về thực phẩm,… Đồng thời khuyến cáo các cơ quan quản lý VSATTP cần gấp rút đầu tư và đưa vào sử dụng các thiết bị hiện đại như GC/MS, GS/MS/MS, LC/MS/MS, ICP-OES, ICP/MS… để phát hiện những sản phẩm thực phẩm không an toàn, từ đó loại bỏ ngay những nhà sản xuất thực phẩm bẩn ra khỏi mạng lưới thực phẩm.
Chiều cùng ngày, GS. Park Kwan Hwa - Viện sĩ Hàn lâm IUFoST - Nguyên chủ tịch Hội Khoa học Thực phẩm Hàn Quốc cũng chủ trì chuyên đề "Những thành tựu và định hướng phát triển về biến hình tinh bột và chế biến gạo chất lượng cao". Trên cơ sở chuyên đề này, Đại học Đông Á cũng tiến hành ký kết hợp tác với VAFoST, IUFoST về đào tạo và nghiên cứu khoa học thuộc công nghệ xanh, hướng đến những nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm.
Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ thực phẩm trao đổi, trình bày các kết quả nghiên cứu mới nhất, các kinh nghiệm trong thực tế, các yêu cầu và đòi hỏi trong chiến lược xây dựng chuỗi thực phẩm sạch, qua đó khuyến cáo các giải pháp hữu hiệu phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần giúp người tiêu dùng hạn chế tối đa dư lượng độc tố, chủ động trong chọn mua thực phẩm, yên tâm chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, cải thiện chất lượng sống và bảo vệ sức khỏe cho người dân. Đồng thời cũng góp phần gióng hồi chuông cảnh báo đến các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm trong trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng gắn liền với sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp.
* Trước đó, vào tháng 7, trường ĐH Đông Á đã phối hợp Chi cục ATVSTP TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “An toàn thực phẩm - Bảo vệ sức khỏe cộng đồng” với sự tham gia thảo luận, phản biện của 12 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến và bảo quản thực phẩm tại miền Trung.
Các diễn giả quốc tế tham gia Hội thảo "Công nghệ xanh cho chuỗi thực phẩm sạch"
GS. Daryl B. Lund - Đại học Wisconsin-Madison, Hoa Kỳ
- Giáo sư chuyên ngành Kỹ thuật Thực phẩm (Food Engineering)
- Tổng biên tập tạp chí Khoa học Thực Phẩm - Hội Công nghệ Thực phẩm Hoa Kỳ (IFT)
- Viện sĩ Hội Công nghệ Thực phẩm Hoa Kỳ từ năm 1980
- Chủ tịch Hội Công nghệ Thực phẩm Hoa Kỳ năm 1990 - 1991
- Viện sĩ hàn lâm IUFoST (IAFoST) từ năm 1999
GS. Gerald G. Moy - Tổ chức Y tế thế giới (WHO)
- Chuyên ngành An toàn Thực phẩm
- Viện sĩ hàn lâm IUFoST(IAFoST)
- Chuyên viên Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ năm 1976 - 1987
- Giám đốc Thực phẩm, Hệ thống Giám sát Môi trường Toàn cầu, WHO năm 1987 - 2008
- Chuyên gia tổ chức Tư vấn An Toàn thực phẩm Quốc tế, Thuỵ Sỹ, từ năm 2008
GS. Park Kwan Hwa - ĐH Seoul, Hàn Quốc
- Giáo sư danh dự, chuyên ngành Sinh học Thực phẩm
- Chủ tịch Hội phân tử và sinh học tế bào Hàn Quốc (KSMCB) năm 2005
- Chủ tịch Hội Khoa học Thực phẩm Hàn Quốc (KoSFoST) năm 2006
- Thành viên Ban lãnh đạo IUFoST năm 2001 - 2006
- Viện sĩ hàn lâm IUFoST (IAFoST) từ năm 2008
GS.TSKH. Lưu Duẩn - Đại học Công nghệ Sài Gòn (STU)
- Giáo sư, Trưởng khoa CNTP
- Phó chủ tịch & Tổng thư ký Hội Khoa học và Công nghệ Thực phẩm Việt Nam (VAFoST)
- Chủ tịch Liên đoàn KH và CN Thực phẩm các nước ASEAN (FIFSTA) nhiệm kì 2015-2017
- Viện sĩ hàn lâm IUFoST (IAFoST) từ năm 2014
|
Thông tin trên báo chí về Hội thảo:
- Thời báo Ngân hàng: Hội thảo quốc tế “Công nghệ xanh cho chuỗi thực phẩm sạch”
- Báo Viettimes: Chuyên gia Mỹ, Hàn cùng Việt Nam bàn về “công nghệ xanh cho chuỗi thực phẩm sạch”
- Báo Giáo dục Việt Nam: Việt Nam đang là quốc gia nằm trong vùng nóng về vệ sinh an toàn thực phẩm
- Báo Gia đình Xã hội: Mỗi năm Việt Nam có khoảng 250-500 vụ ngộ độc thực phẩm
- Báo Pháp luật Việt Nam: Có khoảng 100-200 ca tử vong do ngộ độc thức ăn mỗi năm
- Báo CADN: Nhiều nguy cơ từ việc lạm dụng chất phụ gia, bảo quản thực phẩm
- Bản tin VTV1: Mỗi năm có 7.000 - 10.000 người ngộ độc thức ăn
- Bản tin Thời sự 11h30 Đài VTV8
- Bản tin Thời sự Đài truyền hình VTC1
- Bản tin 11h Đài PT-TH Đà Nẵng (DRT1)
- Bản tin Đài PT-TH Đồng Tháp
- baomoi.com (1)
- baomoi.com (2)
- phunu24honline
- vietq.vn
- alobacsi
- vietbao.vn
- tintm.com
- newskydoor.net
- atin24.com
- top.vietstar.net
- thoibao.today
- vietnam news