Đại học Đông Á phối hợp Viện AIIT (Nhật Bản) tổ chức hội thảo Chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản dành cho sản phẩm Cà Phê Buôn Ma Thuột

Hội thảo Chỉ dẫn địa lý Nhật Bản đối với Cà phê Buôn Ma Thuột là bước đầu mở màn cho sự hợp tác lâu dài nhằm phát triển kinh tế xã hội giữa Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) và Viện Công nghệ Công nghiệp Tiên Tiến tại Nhật Bản (Advanced Institute of Industrial Technology - AIIT). Viện AIIT là một Trường đại học chuyên nghiệp (public professional graduate school) công lập được thành lập tại Tokyo nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao, có kiến thức và năng lực vừa tiên tiến vừa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Ngoài mục đích chung như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, cả hai đơn vị còn có mong muốn giúp đỡ các doanh nghiệp sản xuất nông sản – thực phẩm đạt được cơ hội xuất khẩu hàng hoá sang thị trường “khó tính” nhất nhì thế giới là Nhật Bản.

Trong khảo sát ý kiến cộng đồng về thái độ mua thực phẩm do Chính quyền thủ đô Tokyo phát hành vào tháng 2/2016, có tới 80,8% người dân lo lắng về độ an toàn của thực phẩm tươi sống nhập khấu. Nếu sản phẩm được đóng dấu nhãn Chỉ dẫn địa lý Nhật Bản (GI Nhật Bản) thì người dân hoàn toàn yên tâm lựa chọn. Bởi vì chứng nhận GI Nhật Bản là bằng chứng về sự an toàn và chất lượng của nông sản và thực phẩm.

Hình 1. Sản phẩm sau khi đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản thành công sẽ được gắn nhãn mác Japan GI (Nguồn: Internet)

Theo số liệu thống kê của ASEAN GI Database, Việt Nam có tổng cộng 95 đối tượng nông sản và thực phẩm nổi tiếng tại nhiều khu vực đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam. Việc sở hữu chỉ dẫn địa lý là một lợi thế cho các doanh nghiệp bảo hộ sản phẩm và tên tuổi của mình trên thị trường quốc tế. Tại Nhật Bản, hiện nay chỉ có 2 đăng ký của Việt Nam đã được thông qua là Vải thiều Lục Ngạn và Thanh Long Bình Thuận. Trong khi đó, Cà Phê Buôn Ma Thuột đã có tiếng tăm từ lâu và được bảo hộ ở nước ngoài tại 32 quốc gia dưới 3 hình thức: chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ hàng hóa và nhãn hiệu tập thể. Tuy nhiên, tại Nhật Bản cà phê Buôn Ma Thuột đã 2 lần bị trả hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý vì nhiều lý do như nhãn hiệu không có khả năng phân biệt sản phẩm và thiếu minh chứng “Buon Ma Thuot Coffee” nổi tiếng với người tiêu dùng Nhật Bản.

Trước nhu cầu thâm nhập vào thị trường Nhật Bản của Cà phê Buôn Ma Thuột, Đại học Đông Á kết nối với Viện AIIT để tư vấn cho Hiệp hội Cà Phê Buôn Ma Thuột (CPBMT) về quy trình và hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Hội thảo với chủ đề “Chỉ dẫn địa lý Nhật Bản đối với cà phê Buôn Ma Thuột” đã được diễn ra tại hai đầu cầu: TP Đà Nẵng và TP Buôn Ma Thuột dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến vào sáng ngày 9 tháng 8 vừa qua. Chương trình có sự tham gia của đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội CPBMT, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cà phê tại thành phố Buôn Ma Thuột, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu từ Viện AIIT (Nhật Bản), Khoa Thực phẩm và Viện Nông nghiệp và PTNT Tây Nguyên ĐH Đông Á. Trong chương trình, chuyên gia Uehara (Viện AIIT) đã trình bày hai tham luận về “Tăng cường năng lực thương hiệu và nhận diện sản phẩm nông nghiệp thông qua đăng ký chỉ dẫn địa lý Nhật Bản” và “Quy trình hướng dẫn đăng ký chỉ dẫn địa lý Nhật Bản”.

Hình 2. Chuyên gia Uehara hướng dẫn quy trình đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho sản phẩm Cà Phê Buôn Ma Thuột. (Nguồn: Phòng Truyển thông, ĐH Đông Á)

Để có thể đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, các tổ chức, hiệp hội, hợp tác xã phải là đơn vị có sản phẩm quen thuộc với người Nhật và thời gian bảo quản lâu ví dụ như hạt cà phê, các loại hạt, mật ong, gia vị (tiêu)… Các tổ chức muốn đăng ký chỉ dẫn địa lý Nhật Bản phải có thời gian hoạt động sản xuất trên 25 năm. Phía Nhật Bản cho hay không giới hạn số lượng sản phẩm đăng ký tuy nhiên các sản phẩm phải rõ ràng về thương hiệu, địa chỉ và quy trình sản xuất. Đối với các nhà sản xuất Nhật Bản thường mất khoảng một năm rưỡi để có được chứng nhận GI. Tuy nhiên, các nhà sản xuất nước ngoài có thể mất nhiều thời gian hơn và có khi phải mất đến 3 năm để hoàn thành.

Tại hội thảo nhiều doanh nghiệp sản xuất cà phê đã bày tỏ khúc mắc và lo lắng về tiến trình được công nhận hồ sơ bảo hộ loại sản phẩm này ở Nhật Bản. Giải đáp băn khoăn đó, phía Viện AIIT đề nghị Hiệp hội CPBMT cung cấp bộ hồ sơ trước đây đã nộp đến Bộ Nông Lâm nghiệp Nhật Bản (MAFF) để đánh giá lại hồ sơ và đề xuất các bước hoàn thiện hồ sơ tiếp theo. Những tài liệu nào hữu dụng sẽ được tái sử dụng cho bộ hồ sơ mới và những minh chứng còn thiếu sẽ phải điều tra, thu thập để bổ sung. Theo các chuyên gia từ Nhật Bản nhận định thì Hiệp hội CPBMT có khả năng đang gặp phải vấn đề ở hồ sơ của quá trình sản xuất cà phê. TS. Trịnh Đức Minh – Chủ tịch Hiệp hội CPBMT cũng chia sẻ sự khó khăn mắc phải khi trước đây đã mô tả quy trình sản xuất quá chi tiết. Như vậy, một quy trình thực hành khi đã đăng ký bảo hộ nếu quá chi tiết hoặc quá sơ sài có thể gây ra những vấn đề nhất định.

Bên cạnh đó, chi phí phải trả cho văn phòng luật sư tại Nhật Bản là nỗi lo lớn của các doanh nghiệp trồng và sản xuất cà phê. Thế nhưng, một tin vui đã được chia sẻ trước toàn bộ khán giả hội thảo rằng “trong dự án lần này, Hiệp hội CPBMT không cần thuê văn phòng luật sư đại diện, Viện AIIT sẽ đóng vai trò như văn phòng luật sư và tư vấn miễn phí cho Hiệp hội” – Chuyên gia Uehara khẳng định.

Hình 3. Chủ tịch Hội đồng trườg Lương Minh Sâm phát biểu tại Hội thảo. (Nguồn: Phòng Truyển thông, ĐH Đông Á) 

Hình 4. Giáo sư Maeda phát biểu tại Hội thảo. (Nguồn: Phòng Truyển thông, ĐH Đông Á) 

Trong tháng 12 sắp tới, các chuyên gia của Trường Đại học Đông Á cùng với Viện AIIT sẽ tiến hành chuyến đi thực địa trên Đắk Lắk để điều tra, khảo sát và hỗ trợ Hiệp hội CPBMT chuẩn bị hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đây là sự hứa hẹn đáng mừng cho các doanh nghiệp trồng và chế biến cà phê Buôn Ma Thuột.

 

TS. Phan Thu Thảo