Hội thảo quốc tế “Công nghệ xanh cho chuỗi thực phẩm sạch”

(GD&TĐ) - Ngày 19/12, Trường Đại học Đông Á, Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực Thực phẩm Việt Nam (VAFoST), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ thực phẩm Thế giới (IUFoST) đồng tổ chức hội thảo quốc tế “Công nghệ xanh cho chuỗi thực phẩm sạch”.

Tham dự hội thảo có GS. Viện sĩ, TSKH Lưu Duẩn – Tổng thư ký Hội thực phẩm Việt Nam; GS.TSKH Lê Văn Hoàng – Chủ tịch Hội đồng khoa học Trường ĐH Đông Á; GS. Daryl Bert Lund - Đại học Wisconsin-Madison - viện sĩ Hàn lâm IUFoST; GS. Gerald G. Moy - Tổ chức Y tế thế giới (WHO); GS. Park Kwan Hwa - Viện sĩ Hàn lâm IUFoST - Nguyên chủ tịch Hội Khoa học Thực phẩm Hàn Quốc, cùng gần 400 các nhà nghiên cứu, cán bộ, giảng viên, sinh viên.

Theo GS.TSKH Lê Văn Hoàng, hội thảo diễn ra trong bối cảnh thực phẩm không an toàn từ khâu nguyên liệu đến quy trình chế biến, bảo quản và tiêu thụ thực sự đang trở thành vấn nạn nhức nhối đối với ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm trên toàn thế giới. Thực trạng sử dụng những hóa chất cấm dùng trong nuôi trồng, chế biến nông thủy sản, thực phẩm; việc sản xuất một số thực phẩm kém chất lượng hoặc do quy trình chế biến hoặc do nhiễm độc từ môi trường,... đang gây ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu và tiêu dùng của Việt Nam, đang bùng lên sự lo âu của mọi người.

Gần đây, một số vấn đề liên quan đến quản lý VSATTP, sự khác biệt giữa các kết quả phân tích kiểm tra chất lương sản phẩm gây không ít khó khăn cho người sản xuất, tạo lo lắng cho người tiêu dùng. Thực tế này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng mà còn dẫn đến nguy cơ mất cân bằng trong cơ cấu phát triển nông - công nghiệp, gây kém hiệu quả cả về giá trị kinh tế và ý nghĩa nhân văn.

GS.TSKH Lê Văn Hoàng cho hay: Hội thảo là một trong chuỗi các hoạt động chuẩn bị cho hội nghị Thực phẩm các nước ASEAN lần thứ 15 (AFC 2017) được tổ chức tại Việt Nam. Hội thảo lần này là dịp để các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ thực phẩm trao đổi, trình bày các kết quả nghiên cứu mới nhất, các kinh nghiệm trong thực tế, các yêu cầu và đòi hỏi trong chiến lược xây dựng chuỗi thực phẩm sạch.

Qua đó khuyến cáo các giải pháp hữu hiệu phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần giúp người tiêu dùng hạn chế tối đa dư lượng độc tố, chủ động trong chọn mua thực phẩm, yên tâm chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, cải thiện chất lượng sống và bảo vệ sức khỏe cho người dân. Góp phần gióng hồi chuông cảnh báo đến các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm trong trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng gắn liền với sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp.

Theo đó, Hội thảo tập trung thảo luận các nội dung cơ bản: Cơ sở khoa học của nguyên tắc an toàn thực phẩm; Quản lý rủi ro trong truyền thông về thực phẩm; Nông sản thực phẩm an toàn; Khả năng phát hiện độc chất trong thực phẩm…

Các diễn giả tập trung trao đổi, bàn luận các nội dung như: Phân biệt nông sản và thực phẩm an toàn; nhận biết các độc tố, độc chất không an toàn thực phẩm; các công nghệ mới trong ủ chín trái cây bằng phương pháp nhân tạo; phát huy cách ủ chín thực phẩm theo phương pháp dân gian; các công cụ quản lý và ngăn ngừa rủi ro trong truyền thông về thực phẩm,…

Đại Khải