Nhu cầu về nguồn nhân lực ngành Công nghệ thực phẩm

Theo nhiều nghiên cứu khảo sát gần đây cho thấy Công nghệ thực phẩm là ngành xếp thứ hai trong ba nhóm ngành dẫn đầu về nhu cầu nhân lực giai đoạn 2012-2015. Hiện nay, nhu cầu nhân lực trình độ cao cho ngành này vẫn còn là một bài toán chung cho các công ty, nhà máy thuộc lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng.

1. Các kết quả nghiên cứu khảo sát, phân tích, đánh giá nhu cầu về nguồn nhân lực của ngành Công nghệ thực phẩm

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay thì vấn đề cạnh tranh về chất lượng và giá cả hàng hóa càng trở nên gay gắt. Sản phẩm của các công ty nước ngoài hay các công ty liên doanh chiếm một ưu thế nhất định. Nguyên nhân chính là do chênh lệch về trình độ công nghệ, trong đó ngoài những trang thiết bị hiện đại, những quy trình công nghệ tiên tiến phải kể đến đó là nguồn nhân lực. Chúng ta đang thực sự thiếu những kỹ sư, những cử nhân, những người lao động có trình độ chuyên môn, trình độ tay nghề vững vàng.

Theo một số chuyên gia, đến năm 2020 dự báo ngành Nông - lâm - ngư sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động đã qua đào tạo (từ trình độ TCCN trở lên). Các chuyên ngành Nông - lâm - ngư cần lao động đã qua đào tạo nhiều nhất là: Quy hoạch đất đai; Công nghệ chế biến thực phẩm; Công nghệ sau thu hoạch; Kỹ thuật nuôi trồng và khai thác thủy - hải sản; Dịch vụ thú y… Theo Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin Thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh dự báo trong 10 nhóm nghề “hot” của thị trường lao động Việt Nam trong 5 năm tới có mặt ngành Chế biến thực phẩm.

Nhằm quản lý chặt chẽ cũng như tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ, bền vững ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam, Chính phủ, các bộ, ngành đã phê duyệt nhiều quy hoạch, chiến lược và ban hành các văn bản pháp quy phù hợp với từng giai đoạn phát triển và tầm nhìn cho các giai đoạn tiếp theo.

Quyết định số 1216/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020” ngày 22 tháng 7 năm 2011 đã xác định rõ mục tiêu cụ thể là: “Tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong nền kinh tế dưới các hình thức, trình độ khác nhau từ mức 40,0% năm 2010 lên mức 70,0% năm 2020, trong đó tỷ lệ nhân lực qua đào tạo ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng tương ứng từ 15,5% lên 50,0%”.

Đối với khu vực nông, lâm, ngư nghiệp quy hoạch cũng nêu rõ:

- Nhân lực trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2010 là 24,9 triệu người (chiếm khoảng 51,0% tổng nhân lực trong nền kinh tế), năm 2015 có khoảng 24-25 triệu người (chiếm khoảng 45,0 - 46,0% tổng nhân lực trong nền kinh tế) và năm 2020 khoảng 22 - 24 triệu người (tương đương với khoảng 35,0 - 38,0% tổng nhân lực trong nền kinh tế). Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 28,0% năm 2015 và khoảng 50% năm 2020. Trong số nhân lực được đào tạo, trình độ sơ cấp nghề chiếm khoảng 73,0% năm 2015 và 69,5% năm 2020; trình độ trung cấp chiếm khoảng 19,0% năm 2015 và khoảng 22,5% năm 2020; trình độ cao đẳng khoảng 6,5% năm 2015 và khoảng 6,0% năm 2020; trình độ đại học và trên đại học khoảng 1,5% năm 2015 và khoảng 2,0% năm 2020. Riêng trong lĩnh vực ngư nghiệp, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo các loại so với tổng nhân lực ngư nghiệp tăng từ mức 28,4% năm 2010, khoảng 45,0% năm 2015 và khoảng 68,0% năm 2020.

- Giai đoạn 2011-2020, đảm bảo có khoảng từ 40,0 - 45,0% tổng số nhân lực qua đào tạo khu vực nông, lâm, ngư nghiệp được đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc.

Theo Quyết định số 20/2007/QĐ-BNN ngày 15 tháng 3 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc phê duyệt “Chiến lược quốc gia sau thu hoạch lúa, gạo, ngô, đậu tương và lạc đến năm 2020” có nêu rõ, trong thời kỳ 2011-2020 cần tăng cường “huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân, nhân viên kỹ thuật và nông dân, những người tham gia các hoạt động thuộc lĩnh vực sau thu hoạch. Tăng đầu tư, trang thiết bị, nâng cấp phòng thí nghiệm các viện, trường đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân thuộc lĩnh vực sau thu hoạch. Xác định mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa lĩnh vực sau thu hoạch; nâng cao chất lượng đội ngũ kỹ sư, cán bộ quản lý trình độ đại học và sau đại học. Cập nhật, hoàn thiện giáo trình giảng dạy; xây dựng chương trình đào tạo cán bộ quản lý, công nhân vận hành máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực sau thu hoạch”.

Trong Quy hoạch phát triển ngành Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ Công thương ban hành theo Quyết định số 202/QĐ-BCT ngày 08 tháng 1 năm 2014 cũng nêu rõ định hướng phát triển ngành Công nghệ thực phẩm theo ba hướng chính là sản xuất bánh kẹo, sản phẩm ăn liền và bột ngọt. Theo đó, Quy hoạch cũng đề ra các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực: “Các doanh nghiệp dành tỷ lệ chi phí thỏa đáng cho đào tạo đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật để tiếp cận và sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết bị, công nghệ sản xuất mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất. Tăng cường đào tạo kiến thức an toàn thực phẩm cho các đối tượng sản xuất kinh doanh cũng như kiến thức về Quản lý an toàn thực phẩm cho các đối tượng là cơ quan quản lý. Chú trọng công tác đào tạo và thu hút nguồn nhân lực cho ngành chế biến nông sản thực phẩm nói chung và ngành kỹ nghệ thực phẩm nói riêng”.

2. Các phân tích, đánh giá sự phù hợp của nhu cầu phát triển nguồn nhân lực ngành thực phẩm của miền Trung và Tây Nguyên

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020” số 1216/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 đã quy hoạch phát triển nhân lực theo vùng kinh tế, trong đó nêu rõ:

- Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: Tổng số nhân lực qua đào tạo khu vực Nông, lâm, ngư nghiệp năm 2015 khoảng 2 triệu người; đến năm 2020 khoảng 3 triệu người.

- Vùng Tây Nguyên: Tổng số nhân lực qua đào tạo khu vực Nông, lâm, ngư nghiệp năm 2015 khoảng 580 nghìn người; đến năm 2020 khoảng 780 nghìn người. Trong giai đoạn 2011-2020, tập trung đào tạo đủ nhân lực cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn của vùng trong đó có ngành Chế biến nông, lâm sản thuộc lĩnh vực Công nghệ sau thu hoạch.

Theo Quyết định số 202/QĐ-BCT về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ngày 08 tháng 1 năm 2014, Bộ Công thương cũng đã phân bố rõ:

- Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: Quy hoạch sản xuất nhóm sản xuất bánh kẹo và mỳ ăn liền thuộc dạng trung bình và quy mô nhỏ.

- Vùng Tây Nguyên: Quy hoạch là vùng phát triển nguyên liệu cacao, tinh bột ngô, sắn. Ngoài ra, do đặc điểm về địa lý và khả năng tiêu thụ sản phẩm nên khu vực này có thể phát triển sản xuất bánh kẹo chất lượng trung bình với quy mô nhỏ.

Ngoài ra, với lợi thế nằm trải dọc vùng bờ biển Việt Nam, các tỉnh Duyên hải miền Trung trong những năm qua đã phát triển rất mạnh các ngành nghề nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa đạt được những thành quả tương ứng với tiềm năng vốn có của khu vực. Theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 được ban hành theo Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2010, Chính phủ cũng đã xác định rõ cần “đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu và đa dạng hóa sản phẩm chế biến”. Khu vực Duyên hải miền Trung “rà soát quy hoạch các nhà máy chế biến đông lạnh xuất khẩu, các cơ sở chế biến tiêu thụ nội địa, tăng cường quản lý chất lượng chế biến; khôi phục và phát triển thương hiệu và làng nghề nước mắm Phan Thiết”. Theo đó cần phải “Khuyến khích các cơ sở nghiên cứu đào tạo gắn kết với các doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất để đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất. Tập trung đào tạo cán bộ có chuyên môn cao, cán bộ khoa học và cán bộ quản lý”.

Đặc biệt, khu vực miền Trung và Tây Nguyên được đánh giá là giàu tiềm năng về phát triển kinh tế du lịch. Bên cạnh việc đầu tư cho cơ sở vật chất thì vấn đề về chất lượng an toàn thực phẩm phục vụ cho du khách cũng cần phải quan tâm đúng mức. Các bữa ăn đậm đà hương vị và các món quà từ các đặc sản của vùng được chế biến đảm bảo chất lượng và an toàn cũng góp phần tạo nên thương hiệu về du lịch cho khu vực. Vì vậy, việc đào tạo, hướng dẫn các vấn đề về dinh dưỡng, chế biến, an toàn vệ sinh thực phẩm cho đội ngũ nhân lực phục vụ ngành du lịch là rất cần thiết.