Khởi nghiệp thật dễ với ngành Công nghệ thực phẩm

Kiến tập tại doanh nghiệp thực phẩm hay thực tập nghề nghiệp tại Nhật, đến hội thảo quốc tế về An toàn thực phẩm là những cơ hội được “sắp đặt” để SV CNTP-SH ĐH Đông Á nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và quan trọng hơn là thấu hiểu và nhận lãnh trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng khi khởi nghiệp sản xuất kinh doanh.

“Mỗi chuyến kiến tập đều là một trải nghiệm quý báu dành cho SV trước khi chính thức đi vào 3 học kỳ thực tập nghề nghiệp tại nhà máy sản xuất. Không “cưỡi ngựa xem hoa” khi tham quan quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm, SV CNTP-SH phải liên tục quan sát, lắng nghe và ghi chép khi tiếp xúc trực quan từ khâu nguyên liệu cho đến thành phẩm của một sản phẩm, trong đó quy trình xử lý nước thải thân thiện với môi trường cũng là một cam kết quan trọng không kém khâu sản xuất một sản phẩm chất lượng” - Phạm Thị Minh Tiên-SV năm 2 ngành CNTP-SH hào hứng sau chuyến kiến tập tại Nhà máy bia Carlsberg vào tháng 1/2017.

Minh Tiên chia sẻ, khoa CNTP-SH ĐH Đông Á luôn dành hàng chục cơ hội kiến tập cho SV mỗi khóa từ mối liên kết hợp tác với hơn 30 nhà máy sản xuất và chế biến thực phẩm tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Bên cạnh đó, việc đón đầu xu thế phát triển và nhu cầu nhân lực của xã hội đối với ngành CNTP-SH cũng đã mở ra những hướng phát triển nghề nghiệp cũng như khởi nghiệp rõ rệt dành cho SV.

Cô bạn cũng thật sự ấn tượng khi chỉ trong năm 2016, liên tiếp hai hội thảo về ATTP thu hút sự quan tâm của dư luận và sự tham gia với hàng chục tham luận chất lượng về giải pháp công nghệ xanh để đảm bảo nguồn thực phẩm sạch từ khâu nguyên liệu đến quy trình chế biến, bảo quản và tiêu thụ đến từ các diễn giả là chuyên gia ATTP trong và ngoài nước đã được tổ chức tại ĐH Đông Á. Đặc biệt là Hội thảo quốc tế “Công nghệ xanh cho chuỗi thực phẩm sạch” với liên tiếp các báo cáo, tham luận, thảo luận của các chuyên gia quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc cùng nhiều học giả từ các viện nghiên cứu, trường ĐH, các khoa chuyên ngành về CNTP ở Việt Nam. Đây cũng là một trong chuỗi các hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị Thực phẩm các nước ASEAN lần thứ 15 (AFC 2017) được tổ chức tại Việt Nam.

Hướng đến những giá trị bền vững trong từng nghiên cứu ứng dụng của mình, năm 2016, ĐH Đông Á và UBND TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ nâng cao chất lượng nước mắm cổ truyền đang được sản xuất tại xã Tam Thanh, sau giai đoạn chuyển giao công nghệ tại các hộ thí điểm sẽ nhân rộng ra toàn làng nghề. Với ký kết này, nhóm nghiên cứu thực hiện xây dựng quy trình và hạ tầng sản xuất hợp lý, đáp ứng chuẩn VSATTP và phát triển sản phẩm nước mắm cổ truyền tại làng nghề.

Thỏa thuận hợp tác với Công ty Ido (Nhật Bản) đưa SV ngành CNTP-SH thực tập hưởng lương 1 năm tại Nhật cũng được ký kết vào năm 2016. Thỏa thuận này đem đến cho từ 10-30SV CNTP-SH được sang thực tập tại Nhật với mức lương khoảng 30triệu đồng/tháng, được đào tạo tiếng Nhật miễn phí chuẩn N4 trước khi sang Nhật, được hỗ trợ đầy đủ về môi trường và điều kiện thực tập tại Nhật.

Quan trọng hơn, được tiếp cận, làm việc trong môi trường đầy tính kỷ luật, cần cù - các phẩm chất giúp người Nhật thành công trong công việc cùng chứng nhận làm việc tại Nhật được cấp sau khi kết thúc chương trình thực tập và thực trạng nhu cầu nhân lực ngành CNTP đang bức thiết hiện nay, Minh Tiên cũng như các bạn sẽ dễ dàng tìm được cơ hội phát triển nghề nghiệp phù hợp tại các DN trong lĩnh vực chế biến-bảo quản thực phẩm trong và ngoài nước. Nhất là khi nhà trường đã chuẩn bị để SV được “học đến đâu, thực hành đến đó”, nắm bắt quy trình sản xuất-chế biến-bảo quản và thị trường các sản phẩm theo công nghệ và tiêu chuẩn Nhật Bản.

“Đây là cơ hội tốt để SV khi ra trường có thể khởi nghiệp bằng cách tự sản xuất các sản phẩm sinh học, sản phẩm lên men,…không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn vươn tới xuất khẩu thành phẩm đạt chuẩn quốc tế”-Minh Tiên tự hào chia sẻ.

BÍCH QUÂN