Hội nghị nhiếp ảnh trong xu hướng hội nhập

Đây là tọa đàm mở đầu tiên được tổ chức, mà từ hàng ghế đại biểu đã dành sự quan tâm đến tham dự, rất đa dạng về thành phần.

Đó là những người cầm máy chuyên nghiệp đến từ Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật, các Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Báo chí; các Phóng viên ảnh, phóng viên đến từ các cơ quan báo chí, những người cầm máy không chuyên. Đặc biệt là các bạn sinh viên chuyên ngành truyền thông.

Đây là tọa đàm mở đầu tiên với sự tham gia của 2 diễn giả tên tuổi:

  • NSNA Lê Hồng Linh - tước hiệu cao quý: Nghệ sĩ Nhiếp ảnh bậc thầy (Master Photographer of  FIAP) do Ban Giám đốc điều hành của FIAP (Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế) trao tặng; Nghệ sỹ đang giữ kỷ lục giải thưởng quốc tế với gần 400 giải thưởng, đồng thời, ông còn có hơn 20 tác phẩm được trưng bày vĩnh viễn trong các bảo tàng, thư viện ảnh của Tây Ban Nha, Italia, Ấn Độ… Hiện  NSNA Lê Hồng Linh là Giảng viên trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh.
  • NSNA đồng hành cùng NSNA Lê Hồng Linh trong lần đến Đà Nẵng lần này là ông Harto Solichin Margo, Chủ tịch Liên đoàn các Tổ chức Nhiếp ảnh Indonesia. Ông đã được FIAP phong tặng tước hiệu “HonEFIAP” dành cho những người có cống hiến và phát triển cho lợi ích của trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Hiện ông là đại diện FIAP tại Indonesia. NSNA Harto Solichin Margo rất gần gũi với đời sống nhiếp ảnh Việt Nam. 2013, ông đã đến Hà Nội, với tư cách là Giám khảo “Cuộc thi ảnh quốc tế tại Việt Nam”. 

“Đây cũng là hoạt động đầu tiên trong năm 2018 của Hội Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật TP Đà Nẵng nói riêng, Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật TP nói chung. Trong năm nay, Hội còn có một sân chơi nữa đó là Trại sáng tác nhiếp ảnh chuyên đề.

Những hoạt động này được mở ra không ngoài mục đích tạo những sân chơi, giao lưu giúp những người cầm máy, những ai yêu thích bộ môn nhiếp ảnh có cơ hội nâng cao kỹ năng, tay nghề. Thông qua đó, phong trào và hoạt động nhiếp ảnh thành phố chúng ta có thêm những tác phẩm mới, đóng góp cho yêu cầu sáng tạo và đổi mới trong quảng bá giới thiệu hình ảnh về vùng đất, con người Đà Nẵng đến với công chúng.

Tọa đàm mở chủ đề “Nhiếp ảnh trong xu thế hội nhập” lần này có sự đồng hành của Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng và trường Đại học Đông Á. 

Thông tin của buổi tọa đàm đã được lan tỏa sâu rộng, quy mô tổ chức sự kiện được mở rộng; nội dung của buổi tọa đàm đã đến với các cơ quan báo chí, đến với các em sinh viên. Tôi cho rằng điều có rất có ý nghĩa vì thiết thực và rất bổ ích cho nghiệp vụ của mỗi đối tượng” – NSNA Ông Văn Sinh, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật TP Đà Nẵng cho biết.

Ngay sau khi Ban Tổ chức chương trình gửi thông điệp đến các đại biểu, chúng tôi đã nhận được nhiều câu hỏi gửi đến cho 2 Diễn giả xoay quanh các tuyến chủ đề chính: 

Xu hướng hội nhập và xu thế chung của Nhiếp ảnh hiện nay là gì ? Quảng bá và giới thiệu hình ảnh về TP Đà Nẵng qua ngôn ngữ ảnh; Ảnh báo chí có thể là ảnh nghệ thuật và ngược lại ? Vai trò của nhiếp ảnh trong truyền thông số; Thế nào là một tác phẩm ảnh hoàn chỉnh giàu thông tin (lắp ghép pha trộn ? / chân thực như nguyên bản; Đào tạo bộ môn nhiếp ảnh đối với chuyên ngành truyền thông như thế nào ?...  

Chúng tôi hy vọng những nội dung mà 2 diễn giả tên tuổi truyền đạt tại tọa đàm, cũng như phần trao đổi mang tính mở rất cao sẽ mang đến cho các đại biểu tham dự tọa đàm nhiều kinh nghiệm quý, chia sẻ các quan điểm nổi bật về xu thế của nhiếp ảnh hội nhập.

Cũng có những vấn đề còn đang tranh luận, giữa các xu thế nhiếp ảnh, hay cách nhìn nhận, đánh giá một tác phẩm ảnh, hay vấn đề ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật, ảnh thời sự nghệ thuật ….Đây là chuyện thường ngày của đời sống sáng tạo nhiếp ảnh cũng như trong hoạt động nghiệp vụ báo chí.

Tọa đàm được tổ chức tại Đại học Đông Á, hướng đến kỷ niệm 1 năm thành lập chuyên ngành Quản trị Truyền thông  tích hợp (17/6/2017 - 17/6/2018). Với chủ đích xây dựng một ngành học của thời đại số, chương trình đào tạo Quản trị truyền thông tích hợp tại Đại học Đông Á, chú ý những yếu tố mới mẻ và thực tiễn khi tích hợp 3 module nghề nghiệp (1) Truyền thông – Quan hệ công chúng – (2) Báo chí – (3) Marketing – Quảng cáo. Tính ưu việt khác của chương trình là bắt kịp với các xu hướng truyền thông trên thế giới, trong đó, chuyên ngành mới tích hợp giữa “Marketing - Truyền thông - Báo chí và Doanh nghiệp” đang là xu hướng mới mà doanh nghiệp nào cũng cần trong thời kỳ giao thương Sale – E - Marketing.

Tọa đàm mở lần này, cũng đánh dấu bước phát triển mới của Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông trong năm tờ báo lên 8. Bên cạnh các hoạt động nghiệp vụ của một tòa soạn báo chí, chúng tôi vươn đến những bàn tròn sự kiện ngoài mặt báo, khẳng định khả năng kết nối, tương tác và chung tay cùng đồng nghiệp, cùng các đối tác góp tiếng nói, giải pháp cho những vấn đề mà chúng ta đã-đang quan tâm” – Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông chia sẻ.